Đó là trường hợp của thiếu nữ 15 tuổi, ngụ tại quận 9, TPHCM. Bệnh nhân có tiền sử phình “khổng lồ” 2 động mạch đốt sống ngay tại vị trí hợp lưu tạo thành động mạch thân nền. Đây là động mạch cung cấp máu cho vùng thân não - khu vực chỉ huy cao cấp của não bộ.
Khoảng 18 tháng trước, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Các bác sĩ đã đặt 1 stent chuyển dòng ở động mạch đốt sống bên phải để đảm bảo duy trì dòng máu lưu thông cho vị trí này, đồng thời dùng coil (vòng xoắn kim loại) để tắc động mạch đốt sống trái đoạn có túi phình, ngăn ngừa túi phình vỡ gây xuất huyết não.
Mới đây, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu nên đến Nhi Đồng 2 thăm khám. Qua hình ảnh kiểm tra, bác sĩ ghi nhận, tình trạng phình động mạch não ở bệnh nhân tái phát. Túi phình lớn bất thường chèn ép thân não, dọa vỡ gây tử vong cho bệnh nhân bất kỳ lúc nào. Nếu không can thiệp, túi phình sẽ vỡ khiến bệnh nhân tử vong. Nếu tắc động mạch đốt sống có túi phình bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu máu nuôi não dẫn tới tử vong, yếu liệt hoặc sống thực vật.
Sau hội chẩn với chuyên gia đầu ngành, được sự đồng thuận của gia đình bệnh viện Nhi Đồng 2 quyết định can thiệp nội mạch gây tắc động mạch đốt sống đoạn mang túi phình bên còn lại (bên phải) để ngăn chặn nguy cơ vỡ túi phình. Nguồn cung cấp máu cho tuần hoàn sau sẽ phụ thuộc vào những thông nối từ mạch máu tuần hoàn phía trước.
Để kiểm soát những yếu tố nguy cơ, nếu cần sẽ ngưng thủ thuật ngay trong quá trình can thiệp khi có “vấn đề” với bệnh nhân, các bác sĩ quyết định tiến hành mọi can thiệp trong trong lúc người bệnh vẫn tỉnh táo. Sau gây tê tại chỗ vị trí bẹn 2 bên - vị trí đặt ống thông vào động mạch đùi, ê kíp bác sĩ đã luồn ống thông chọn lọc vào động mạch đốt sống bên phải, bơm bóng để ngăn luồng máu chảy lên túi phình, chặn dòng máu lên thân não.
Sau kiểm tra sự thông nối từ tuần hoàn não trước và tuần hoàn não sau không có vấn đề bất thường, bác sĩ đã bơm thuốc cản quang giúp hiển thị cây mạch máu não. Mọi thao tác của bác sĩ đều được thực hiện trong lúc bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Ê kíp vừa trò chuyện cùng bệnh nhân, hướng dẫn các tư thế xoay trở, cử động theo y lệnh. Sau hơn 1 giờ khẩn trương, 6 chiếc coil lần lượt được đưa vào lấp túi phình cho bệnh nhân. Kết thúc quá trình can thiệp, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, cử động, nói chuyện được.
Ngày 9/8, BS Nguyễn Ngọc Pi Doanh, khoa Ngoại Thần kinh cho hay, sau hơn 1 tuần theo dõi, bệnh nhân phục hồi tốt, không yếu liệt tay chân, không có các biểu hiện bất thường. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Nhi Đồng 2 thực hiện can thiệp mạch máu không cần gây mê. Việc để bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo giúp ê kíp có thể theo dõi và đánh giá các chức năng thần kinh của người bệnh trong suốt quá trình can thiệp từ đó đưa ra những phương án tối ưu nhất.