Bệnh nhân nhiễm độc do ăn pate Minh Chay phải liên tục lọc máu

GD&TĐ - TP.HCM hiện ghi nhận có 7 bệnh nhân phải nhập viện điều trị tích cực tại BV Chợ Rẫy và BV Bệnh nhiệt đới TPHCM do ăn pate Minh Chay.

Bệnh nhân bị ngộ độc do ăn pate Chay. (Ảnh: IT).
Bệnh nhân bị ngộ độc do ăn pate Chay. (Ảnh: IT).

Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế ra thông báo khẩn cấp về việc nhiều bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn phải sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (Hà Nội) có chứa độc tố clostridium botulinum.

Tại TP.HCM, hiện ghi nhận có 7 bệnh nhân phải nhập viện điều trị tích cực tại BV Chợ Rẫy và BV Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy TPHCM cho biết, từ ngày 24/7 đến 30/7, đơn vị tiếp nhận 5 bệnh nhân nhập viện cấp cứu sau khi ăn phải sản phẩm Pate Minh Chay và được chia làm 2 nhóm bệnh.

Nhóm bệnh thứ nhất là 2 vợ chồng bệnh nhân H.M.C. và N.Đ.H.O. (đều 36 tuổi, ngụ tỉnh Khánh Hòa). Người chồng có tiền sử bệnh tăng huyết áp và người vợ đang có thai con đầu 19 tuần.

Trưa ngày 19/7, hai vợ chồng cùng ăn pate Minh Chay. Đến khoảng 9 giờ ngày 20/7, bệnh nhân nam (người chồng) đột ngột buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, mờ mắt, nuốt khó, sụp mi mắt, không sốt.

Bệnh nhân nhập viện tại BV Khánh Hòa. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng bệnh nặng hơn, xuất hiện nói khó và khó thở nhẹ nên bệnh nhân được chuyển vào BV Chợ Rẫy ngày 24/7. Tại đây, bệnh nhân tỉnh, tự thở nhanh, sụp mi mắt, sức cơ tứ chi 5/5.

Bệnh nhân nữ (người vợ) khởi phát buồn nôn, nôn ói và mệt mỏi vào ngày 21/7. Đến ngày 24/7, xuất hiện thêm các triệu chứng mờ mắt, sụp mi mắt, nuốt khó, nói khó. Bệnh nhân nhập BV Chợ Rẫy ngày 24/7.

Cả hai vợ chồng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, sụp mi mắt hoàn toàn, nói khó, nuốt khó, yếu tứ chi sức cơ từ 2-4/5, khó thở tăng dần, suy hô hấp phải đặt nội khí quản, thở máy ngày 27/7.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum nghi do ăn pate chay đóng hộp bị nhiễm khuẩn (Ảnh: IT).
Bệnh nhân ngộ độc botulinum nghi do ăn pate chay đóng hộp bị nhiễm khuẩn (Ảnh: IT).

Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân ngộ độc botulinum nghi do ăn pate chay đóng hộp bị nhiễm khuẩn. 

Nhóm bệnh nhân thứ hai gồm 3 người là bạn bè có độ tuổi từ 20-24 tuổi ngụ tại Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu. Cả 3 người cùng nhau ăn pate Minh Chay ngày 24/7 và lần lượt có biểu hiện đột ngột nôn ói, đau họng, khó nuốt, khó thở.

Sau khi nhập điều trị tại địa phương, cả ba được chuyển đến BV Chợ Rẫy lần lượt vào các ngày 27, 29 và 30/7 với tình trạng sụp mi hoàn toàn, suy hô hấp, thở máy, sức cơ tứ chi từ 2/5 đến 3/5. Hiện, cả 5 bệnh nhân được điều trị hỗ trợ thở máy, thay huyết tương (5 lần, cách nhật); Vitamin nhóm B, dinh dưỡng, vật lý trị liệu... Đến nay, tình hình sức khỏe của bệnh nhân đã được cải thiện khá.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM: xác nhận có 2 ca nhiễm độc tố botulinum đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn của BV. 

Hai bệnh nhân này là chị em tuổi trung niên, sống cùng nhau, nhập viện cấp cứu trong tình trạng khó nuốt, không há miệng được. Tình trạng bệnh nhân trở xấu khi liệt cơ toàn thân (kể cả cơ hô hấp), do đó BV phải cho thở máy.

Hiện, người em hồi phục tốt hơn, đã cai máy thở ngắt quãng và cử động được chân tay. Người chị dù đã tỉnh táo nhưng chỉ mới cử động được các đầu chi và mấp máy môi, hiện đang tiếp tục thở máy.

Sáng 30/8, Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới phát đi thông báo thu hồi sản phẩm pate Minh Chay.

Thông báo được đăng tải trên trang website của công ty với nội dung: “Để bảo vệ sự an toàn cho quý khách, Minh Chay khuyến cáo với quý khách hàng mua sản phẩm pate có ngày sản xuất từ ngày 1/7 đến 28/8 dừng ăn lập tức, cách ly pate đó với các thực phẩm khác. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn để thu hồi sớm nhất. Nếu có bất kỳ dấu hiệu khác thường, vui lòng đến cơ sở y tế gần nhất.

Chi tiết vui lòng liên hệ số điện thoại 0981837801. Chân thành xin lỗi quý khách”.

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, nó được vi khuẩn C. botulinum sản sinh ra trong quá trình phát triển (nhân đôi hay sinh bào tử).

Vi khuẩn C. botulinum là một loài vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí), có khả năng tự tạo ra bào tử (có thể hiểu nôm na là vi khuẩn tự đóng kén để tồn tại trong môi trường có không khí) nằm lẫn trong đất cát.

Khi có điều kiện thuận lợi là môi trường yếm khí, thường gặp nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, thì các bào tử này sẽ tái hoạt động trở lại, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum.

Trung bình từ 12-36 giờ (có thể vài ngày) sau khi khi ăn phải các loại thức ăn bị nhiễm này, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc botulinum dẫn tới các triệu chứng như: đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân và sau cùng là khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Mặc dù được điều trị tích cực thì tình trạng liệt vẫn kéo dài vài tháng, thậm chí có thể liệt không hồi phục cho thấy ngộ độc botulinum là một bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm. Ngoài xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, bào tử vi khuẩn C. botulinum còn có thể xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch.

Khi vết thương liền miệng tạo ra môi trường yếm khí, các bào tử có thể tái hoạt sản sinh ra chất độc botulinum dẫn tới ngộ độc.

Khác với người lớn, trong đường ruột của trẻ em nhũ nhi, bào tử vi khuẩn này cũng có thể phát triển (do ăn phải thức ăn bị nhiễm bào tử không đóng hộp) dẫn tới ngộ độc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG

Dạy học nơi đầu sóng

GD&TĐ - Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 đảo lớn, nhỏ nằm sát nhau, thuộc sự quản lý của 2 xã: An Sơn và Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang).