Bệnh nhân ngừng thở do hóc bánh nếp

GD&TĐ - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân nam 79 tuổi hóc dị vật là miếng bánh nếp kích thước '3x5cm'.

Sau cấp cứu, bệnh nhân vẫn rơi vào hôn mê sâu. Ảnh: BVCC
Sau cấp cứu, bệnh nhân vẫn rơi vào hôn mê sâu. Ảnh: BVCC

Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân nam 79 tuổi hóc dị vật là miếng bánh nếp kích thước “3x5cm”. Sau hóc, bệnh nhân tím tái, không thở được.

Sau cấp cứu, bệnh nhân có mạch trở lại, nhưng rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng cũng đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân bị hóc thạch đen. Theo các bác sĩ, trong sinh hoạt ăn uống hằng ngày, người dân, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em cần cẩn trọng với các dị vật có thể dễ gây hóc, tắc đường thở.

Để tránh, hạn chế những trường hợp tương tự, người dân, gia đình có người già, trẻ em phải hết sức cẩn thận với các loại thức ăn dễ gây hóc, mắc như loại thịt có xương lớn, dài; thức ăn có cấu trúc mềm như bánh có tính chất dai, dính…

Đồng thời, cần tự trang bị kiến thức sơ cứu ngay khi người nhà không may bị hóc dị vật đường thở. Đây là thao tác quan trọng trong việc cấp cứu để người bệnh vượt qua cơn nguy kịch trước khi đến cơ sở y tế. Bởi, sẽ rất nguy hiểm nếu không được xử lý và kiểm soát kịp thời.

Dị vật để lâu trong đường thở có thể gây nhiễm trùng, viêm nhiễm khu vực đó. Đồng thời, có thể gây biến chứng các bệnh lý nguy hiểm như viêm nhiễm phế quản, giãn phế quản, viêm phổi, xẹp phổi, áp xe màng phổi, sẹo thanh quản. Dị vật mềm có kích thước to như trường hợp miếng bánh, thạch, có thể gây bít tắc đường thở hoàn toàn và gây tử vong trong thời gian ngắn.

Sơ cứu khi hóc dị vật đường thở là điều hết sức cần thiết. Trong trường hợp người bệnh được sơ cứu đúng cách, khả năng hồi phục sẽ cao và biến chứng không quá nặng nề. Sau khi sơ cứu, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để theo dõi, điều trị.

Tại nhà, có thể áp dụng kỹ thuật Heimlich để sơ cứu nạn nhân. Thao tác Heimlich như sau: Đứng phía sau nạn nhân và vòng tay quanh eo. Một tay nắm chặt đặt ở giữa rốn và ức của nạn nhân. Tay còn lại nắm lấy nắm đấm tay kia và đẩy nhanh vào trong hướng lên trên. Thực hiện nhanh và liên tục thao tác này khoảng 6 - 10 lần nếu người bị hóc chưa ổn định việc hô hấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ