Đừng coi thường khi thị lực giảm
Sau một thời gian thức khuya và làm việc nhiều với màn hình máy tính, anh Tuấn Dũng - kế toán một công ty về máy tính tại Hà Nội thấy mắt mình nhức mỏi và mờ đi. Mỗi khi đọc tài liệu anh thấy khó khăn và thường xuyên bị chảy nước mắt.
Ngại tới bệnh viện và được một đồng nghiệp tư vấn anh đã đến một cửa hàng kính để kiểm tra và mua kính. Sau khi nhân viên cửa hàng tận tình dẫn đi đo và đọc kết quả thì mắt trái của anh là 0,75 đi ốp còn mắt phải là 1 đi ốp.
Anh Dũng được nhân viên tư vấn kỹ càng, đợi khoảng 30 phút sau anh đã có cặp kính mới. Đọc thử sách ở tại cửa hàng anh thấy dễ dàng hơn nên vui vẻ ra về.
Tuy nhiên, hai hôm sau thấy hiện tượng nhức mỏi mắt gia tăng, đeo kính, anh thấy mắt mình sáng hơn, nhưng xuất hiện cảm giác chóng mặt kèm theo nhức đầu. Khi đến khám tại Viện mắt Trung ương, bác sĩ cho biết: Anh bị cận thị giả nên không phải đeo kính, chỉ cần cho mắt nghỉ, giảm bớt cường độ hoạt động của mắt.
Sau một thời gian uống thuốc theo đơn, cùng với việc giảm xem điện thoại, anh Dũng đã thấy mắt của mình ổn định. Mừng nhất là không cần phải đeo kính.
Chia sẻ về trường hợp của con trai mình, chị Mai ở Thành Công (Hà Nội) cho biết: Thấy con trai ở độ tuổi tiểu học kêu khó nhìn khi ngồi học tại lớp, chị đã đưa con đến hiệu kính khá uy tín để đo thị lực.
Tá hỏa khi nhân viên nói con bị cận thị, chị lập tức mua kính theo chỉ dẫn. Lúc đầu, con nói nhìn rõ hơn nên chị yên tâm, nhưng hai tuần sau cháu kêu vẫn nhức mắt, chị bèn đưa con đến viện để khám.
Tại đây bác sĩ cho biết con chị chưa bị cận thị mà chỉ giảm thị lực, rối loạn điều tiết mắt có thể do xem ti vi và điện thoại quá nhiều. Được bác sĩ hướng dẫn và kê đơn thuốc, cộng với bài tập điều tiết mắt hàng ngày, mắt của con trai chị cũng đã ổn định.
Cẩn thận không thừa
Cận thị giả là căn bệnh của giới văn phòng và đang lan rộng vì lượng người sử dụng máy vi tính, các thiết bị công nghệ như smartphone, iPad ngày càng nhiều.
Điều đáng lưu ý là những biểu hiện mà người bệnh gặp phải cũng giống như bệnh lý cận thị. Đối tượng thường gặp ở bệnh cận thị giả là lứa tuổi học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng. Nguyên nhân xuất phát do học tập và làm việc không khoa học. Ở trẻ em do xem phim hoặc chơi điện tử nhiều.
Với người lớn đa phần do áp lực công việc, không cho mắt nghỉ ngơi sau một thời gian làm việc tập trung. Lâu dần mắt có triệu chứng khó nhìn xa, thậm chí phải nheo mắt kèm theo chảy nước mắt nhức mỏi.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Anh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Cận thị giả là hiện tượng mắt bị điều tiết quá mức. Nguyên nhân gây cận thị giả là do làm việc với cự ly gần trong thời gian dài khiến mắt phải điều tiết liên tục dẫn đến nhức mỏi, đau đầu, chảy nước mắt.
Thực tế mắt không có tật cận thị, nhưng nếu không được khám và điều trị kịp thời cũng có thể trở thành cận thị. Khi khám bởi những người không có chuyên môn, hoặc chỉ đi đo bằng máy tại các cửa hàng kính sẽ dẫn tới kết luận sai cho người bệnh. Người bệnh phải đeo kính trong khi thực tế chưa phải dùng.
Đối với các bác sĩ chuyên khoa mắt, việc chuẩn đoán cận thị giả không khó nhưng nếu chỉ dựa vào các chỉ số của máy tại các cửa hàng kính thì sẽ rất khó phát hiện chính xác bệnh.
Phó Giáo sư Nguyễn Đức Anh cũng đưa ra cảnh báo: Đối với các cháu nhỏ cũng như người lớn, khi có biểu hiện nhìn không rõ, hoặc nhức mỏi mắt thì phải đi khám đúng chuyên khoa, tuyệt đối không nên đến cửa hàng để mua kính. Vì tại đây không có bác sĩ chuyên khoa mắt, nếu chỉ dựa trên số đo trên máy có thể mắc phải sai lầm.
Hệ lụy là trẻ không bị cận hoặc chỉ cận nhẹ nhưng lại bị chỉ định cận thị, hoặc đeo kính sai số. Tất cả những vấn đề liên quan đến mắt, người bệnh đều phải đến khám và có bác sĩ chuyên khoa đánh giá cụ thể tình trạng bệnh.
Ngay cả vấn đề nhức mỏi, hoặc người bệnh cảm thấy mờ mắt cũng do nhiều nguyên nhân, chỉ bác sĩ chuyên khoa mới biết chính xác.
Tỷ lệ mắc tật khúc xạ tại Việt Nam hiện nay chiếm từ 15 - 40%, tương ứng từ 14 - 36 triệu người mắc. Trẻ em trong độ tuổi 6 - 15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 20 - 40% ở khu vực thành thị, và từ 10 - 15% tại khu vực nông thôn.
Điều này có nghĩa có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính và con số này sẽ ngày một tăng cao. Ở một số trường học nội thành, tỷ lệ mắc tật này là 50%.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, có những người bị cận thị giả không điều trị kịp thời, không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, khiến mắt phải liên tục làm việc trong thời gian dài thì có thể dẫn đến suy nhược và trở thành cận thị thật.