Đặc điểm chung và nổi bật nhất của cả hai bệnh là sự khó thở. Người mắc bệnh hen thường trẻ. Người bị COPD thường già và COPD ở nhiều trường hợp là hậu quả của bệnh hen lâu năm...
Phân biệt sự khó thở giữa hai bệnh
Điểm khác biệt chủ yếu về tình trạng khó thở trong bệnh hen phế quản là xảy ra từng cơn, do sự co hẹp lòng phế quản vì các tác nhân kích thích như khói bụi, chất gây dị ứng, stress, thời tiết thay đổi... Người bệnh sẽ hết khó thở và trở lại bình thường một cách tự nhiên hoặc nhờ sử dụng các loại thuốc giãn phế quản.
Tuy nhiên, khó thở do bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính (COPD) là sự khó thở liên tục, không thành cơn, do lòng phế quản hẹp vì cấu trúc bị phá hủy gây viêm và phù nề dai dẵng. Điều quan trọng là chỉ có thể làm đỡ cơn khó thở trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mà không thể nào làm cho nó chấm dứt được như trong bệnh hen phế quản.
10 cảnh báo của WHO
Hen phế quản không còn là nỗi lo bệnh tật của riêng ai mà trở thành nỗi lo chung của cả cộng đồng, dân tộc. Bởi vậy, nhiều tổ chức điều trị và dự phòng hen ra đời trên khắp hành tinh. 10 điều do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra rất đáng được suy ngẫm…
1. WHO xác định hiện trên thế giới có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen phế quản và khoảng 255.000 người chết vì hen mỗi năm.
2. Số lượng người chết vì hen phế quản sẽ gia tăng trong vòng 10 năm tới nếu như con người không hành động khẩn cấp. Hen phế quản không thể chữa khỏi, nhưng việc chẩn đoán đúng, điều trị đúng và giáo dục bệnh nhân tốt sẽ dẫn đến việc kiểm soát và quản lý có hiệu quả bệnh.
3. Hen phế quản xảy ra ở tất các quốc gia “bất chấp” mức độ phát triển. Hơn 80% bệnh nhân chết vì hen phế quản thuộc về các quốc gia có thu nhập thấp. Để kiểm soát hen có hiệu quả, cần phải cung cấp thuốc men đầy đủ, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp.
4. Hen phế quản là một bệnh mạn tính, đặc trưng bởi những cơn khó thở và khò khè tái diễn. Mức độ trầm trọng và tần số xuất hiện khác nhau giữa người này và người khác.
5. Triệu chứng có thể xuất hiện vài lần trong một ngày hoặc một tuần ở người bệnh. Đối với một số người, biểu hiện có thể trở nên tồi tệ hơn khi hoạt động gắng sức hoặc vào ban đêm. Nếu không nhận biết và dự phòng sẽ dẫn đến tắc nghẽn đường hô hấp, bùng nổ một cơn hen, suy hô hấp, có thể đe dọa đến tính mạng và thậm chí tử vong.
6. Nhờ việc điều trị thích đáng như là sử dụng Corticosteroids dạng hít để làm giảm viêm phế quản, số bệnh nhân chết liên quan đến hen phế quản có thể giảm.
7. Hen phế quản là một bệnh mạn tính phổ biến nhất ở trẻ em. Nhưng có thể kiểm soát được qua các chương trình điều trị và dự phòng khác nhau tùy theo triệu chứng.
8. Các yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến bệnh hen là tiếp xúc với các dị nguyên trong nhà như bụi chăn, mền, nệm, gối, đồ vật nhồi bông, sự ô nhiễm và con vật nuôi.
9. Sự khởi phát cơn hen có thể bao gồm không khí lạnh, cơn xúc cảm quá mức như giận dữ hoặc sợ hãi và sự gắng sức.
10. Hen phế quản thường thiếu sự chẩn đoán và điều trị. Điều này sẽ tạo ra một gánh nặng đáng kể đối với cá nhân, gia đình và có thể giới hạn các hoạt động cá nhân trong đời sống.
Phòng tránh và điều trị
Chủ yếu là tạo một môi trường sống tốt, tránh sự ô nhiễm khói bụi, không hút và cũng không ngửi khói thuốc lá. Rèn luyện thân thể thích nghi với các loại thời tiết và gia tăng sức chịu đựng của cơ thể.
Tránh các yếu tố nghi ngờ hoặc đã xác định là “dị nguyên” như lông chó, mèo, chim cảnh, thú cảnh khác... Người bệnh cũng không được uống các loại thuốc đã từng là “nghi phạm” gây ra cơn khó thở.
Việc sử dụng thuốc điều trị hen phế quản cần tuân thủ sự chỉ định của các bác sĩ. Một số trường hợp được khuyên thường xuyên có ống xịt trong tầm tay để phòng những cơn hen nặng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bác sĩ chỉ định hoặc đơn vị quản lý bệnh nhân hen sẽ tư vấn và tập cho cách sử dụng ống xịt để chống lại cơn hen phế quản.
Mọi trường hợp khó thở nặng, khó thở kéo dài hoặc những nỗ lực cá nhân, như dùng thuốc uống, khí dung, ống xịt bị thất lạc, người bệnh cần nhập viện ngay lập tức.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Vì tính chất quan trọng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), nên WHO chọn ngày 18/11 hàng năm là ngày phòng chống COPD toàn cầu. Mục đích kêu gọi cộng đồng nhân loại nâng cao tầm nhận thức phòng tránh căn bệnh là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư trong “top 10”.
COPD là tình trạng bệnh có rối loạn thông khí tắc nghẽn không có khả năng hồi phục hoàn toàn. Sự hạn chế thông khí thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi do các phân tử hoặc khí độc hại.
Theo thống kê năm 1995 của WHO, Mỹ có khoảng 16 triệu người mắc COPD. Tỉ lệ mắc COPD theo giới tính như sau: Nam 9,34/1.000; nữ 7,33/1.000. Nghĩa là cứ 1.000 người nam thì có 9,34 người mắc COPD và cứ 1.000 người nữ thì có 7,33 người mắc COPD.
Tại Việt Nam, theo Bệnh viện Phổi Trung ương, tỉ lệ mắc COPD nam là 3,4%, nữ là 1,1% và chung cho cả hai giới là 2,2%. Tuy nhiên, tỉ lệ này thay đổi theo đặc điểm mang tính vùng miền vì tác động của yếu tố thời tiết: Miền Nam tỉ lệ mắc 1,9%, miền Trung 4,6% và miền Bắc 5,7%.
Nguyên nhân và hậu quả
COPD là một bệnh thường gặp ở những người cao tuổi mà yếu tố nguy cơ hàng đầu chính là ô nhiễm môi trường. Thâm niên hút thuốc là gợi ý hàng đầu cho chẩn đoán COPD, khi có các biểu hiện như ho, khạc đờm dai dẳng vào mỗi buổi sáng.
Bên cạnh đó là các yếu tố nguy cơ khó có thể cải thiện như vùng khí hậu lạnh hoặc sự nóng lạnh bất thường, yếu tố cơ địa và cuối cùng là tuổi tác, giới tính - nam mắc bệnh nhiều hơn nữ.
Lưu ý, tất cả các trường hợp ho khạc trên 2 tuần đều được xét nghiệm đờm để loại trừ bệnh lao phổi. Giai đoạn muộn của COPD là khó thở khi gắng sức, rồi chuyển sang khó thở thường xuyên hoặc khó thở khi thời tiết thay đổi.
Tổn thương ban đầu của bệnh là ở nhu mô phổi và các phế quản nhỏ, đường kính < 2mm. Giai đoạn cuối các tổ chức liên kết bị phá hủy, viêm và phù nề dai dẳng làm cho lòng phế quản bị hẹp lại. Do đó, việc thông khí trở nên khó khăn gây thiếu oxy và thừa carbonic và toàn thân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là tim.
Phòng tránh và điều trị
Cách phòng tránh mắc COPD tốt nhất là biết “nói không” với thuốc lá! Đi khám sớm khi nghi ngờ mắc bệnh này, vì để muộn thì khả năng hồi phục gần như là vô vọng. Môi trường sống và các yếu tố liên quan cần được cải thiện trong điều kiện có thể như trong phòng tránh bệnh hen phế quản. Điều trị tốt các bệnh lý liên quan, vì một khi đã có kết luận mắc COPD thì trạng thái khó thay đổi như là mong muốn.
Điều trị COPD chủ yếu là tăng cường sự thông khí bằng cách cho thở oxy, làm giãn phế quản bằng các loại thuốc tiêm, xịt, khí dung hoặc truyền tĩnh mạch. Do sự tắc nghẽn gây ứ đọng tạo ra hiện tượng bội nhiễm phổi nên vấn đề sử dụng kháng sinh dự phòng luôn được đặt ra.
Hậu kỳ của hen COPD
Tâm phế mạn (chronic cor pulmonale) được xem như là “hậu kỳ” của các bệnh làm tổn thương chức năng và cấu trúc của phổi, gây tăng áp lực động mạch phổi dẫn đến phì đại cả hai buống tim bên phải.
Bệnh tâm phế mạn thường theo sau các bệnh như hen, COPD, lao xơ phổi. Ngoài ra còn gặp ở các bệnh gù vẹo cột sống hay lồng ngực bị dị dạng. Các biểu hiện của tâm phế mạn thường thấy là thở khó, da và niêm mạc tím tái, móng tay khum, có hình dùi trống - do thiếu oxy lâu ngày gây ra.
Và tất nhiên, bệnh nhân có một lai lịch bệnh lý không mấy sáng sủa bởi các nguyên nhân liên quan đã nêu trên. Bệnh thường tiến triển chậm chạp cho đến khi “đổ xòa” ra tai họa do bị suy tim bên phải. Lúc này gan to, phù, bụng lớn vì tích lũy nước. Bệnh nhân tử vong trong bối cảnh suy hô hấp và bội nhiễm phổi.
Do bệnh tiến triển từ từ như đã nói ở trên nên trong giai đoạn đầu, bệnh nhân tạm thời vẫn cứ... an toàn. Trong thực tế, thì thời gian từ tâm phế mạn đến... nghĩa trang dao động rất lớn từ vài ba năm đến vài ba chục năm.
Việc sử dụng thuốc, khi khám bệnh các bác sĩ sẽ chịu trách nhiệm kê đơn hướng dẫn điều trị tùy từng trường hợp cụ thể. Nhưng điều cần làm và có thể làm được ngay là người bệnh cần bỏ ngay việc hút thuốc lá, siêng năng tập dưỡng sinh, tập thở. Trường hợp có phù thì phải ăn kiêng, chế độ ăn ít muối và tránh môi trường bụi bặm, nhiều khói.