Bệnh dại bùng phát

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng ghi nhận khoảng 10.000 người đi tiêm vắc-xin phòng dại do bị súc vật cắn.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng ghi nhận khoảng 10.000 người đi tiêm vắc-xin phòng dại do bị súc vật cắn.

Số người đi tiêm vắc-xin dại tăng cao

Trong 2 tháng đầu năm 2024, Hệ thống tiêm chủng VNVC ghi nhận số người đến tiêm vắc-xin dại dự phòng và sau khi bị cắn tăng 300%. Trong đó, các tỉnh miền Đông và Bắc Trung Bộ có tỷ lệ tăng cao nhất.

Ở Viện Pasteur TPHCM, trong hai tháng đầu năm 2024, đã tiếp nhận 4.813 lượt tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Trong đó, tháng 2/2024 có 2.622 lượt, tăng nhiều so với tháng 1/2024 và tháng 12/2023 với hơn 2.100 lượt/tháng.

Theo BS CKII Danh Thơm, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, trong 2 tháng đầu năm 2024, bệnh viện đã ghi nhận 7/7 trường hợp tử vong do bệnh dại, đây là những bệnh nhân ở các tỉnh thành lân cận chuyển đến. Đồng thời bệnh viện cũng ghi nhận gần 5.300 lượt tiêm ngừa dại trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng hơn 1.000 lượt so với 2 tháng cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu ghi nhận trong các ca tiêm ngừa năm 2024, loài vật gây thương tích cho người chủ yếu là chó chiếm 74,8%, tiếp đến là mèo 20,5%, dơi 0,2% và 4,6% là các loài vật khác. Đa số hơn 60% là vết thương ở mức độ III (vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở).

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, số ca mắc bệnh dại thường tăng mạnh vào mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Song số người dân tiêm vắc-xin dại tăng mạnh trong thời điểm này cho thấy bệnh dại vào mùa sớm hơn mọi năm và tăng cao ngay cả khi chưa phải cao điểm mùa nắng nóng.

Bác sĩ tiêm vắc-xin phòng dại cho bệnh nhân. Ảnh: VNVC

Bác sĩ tiêm vắc-xin phòng dại cho bệnh nhân. Ảnh: VNVC

Bệnh dại tăng đột biến

Theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh dại đã xuất hiện và có sự gia tăng đột biến ở những tỉnh, thành phố vốn trước đây không có ca bệnh hoặc đã lâu không ghi nhận ca bệnh. Đáng chú ý, số ca tử vong do bệnh dại đều gia tăng qua các năm.

Cụ thể, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ Y tế đã ghi nhận 22 người tử vong do bệnh dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 1 ca).

Trong năm 2023 đã có 82 người chết do bệnh dại. Trong đó, 81/82 các trường hợp tử vong đều không đi tiêm vắc-xin điều trị dự phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn, 1 trường hợp có tiêm vắc-xin nhưng không tiêm vắc-xin kháng dại. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do bệnh dại trên người.

Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc-xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo; có nơi chỉ đạt gần 10%.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus lây truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn, cào, liếm vào vết thương hở, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100% và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Bệnh dại có thời gian ủ bệnh phức tạp, có thể chỉ từ 7 - 10 ngày hoặc kéo dài đến vài tuần, thậm chí vài năm, phụ thuộc vào tình trạng và vị trí vết cắn. Vết thương càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ hoặc đầu mút các chi như ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục… có thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bệnh dại có thể hung dữ và thể liệt, trong đó thể hung dữ phổ biến hơn với 80% ca mắc. Dấu hiệu điển hình của thể hung dữ là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, rối loạn tri giác, co giật toàn thân, co thắt cơ hô hấp, sặc, khó thở, ngưng tim, hôn mê, tử vong nhanh trong vòng 2 - 4 ngày kể từ khi khởi phát.

Với thể liệt, bệnh nhân bị tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu và đại tiện, liệt tay, chân và tử vong ngay khi liệt cơ hô hấp. Người mắc bệnh dại thể liệt vẫn tỉnh táo hoàn toàn và đau đớn cho đến lúc tử vong.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế. Vì vậy, người dân nên chủ động phòng bệnh và tiêm phòng đúng phác đồ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Người nuôi chó mèo cần tiêm phòng bệnh dại cho thú cưng theo quy định của cơ quan thú y. Thực hiện nuôi, nhốt, xích hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông, nhất là ở các khu đô thị, nơi đông dân cư.

Khi cho chó ra đường phải có dây dẫn, rọ mõm đề phòng cắn người và gây tai nạn giao thông, đồng thời bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, mất vệ sinh, ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Trong trường hợp người bị chó, mèo cắn cần xử lý y tế ban đầu ngay sau khi bị cắn và đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời. Không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các thuốc khác không theo quy định của ngành Y tế.

Tại Việt Nam, virus dại lưu hành ở hầu hết tỉnh, thành phố. Bệnh dại hiện đứng đầu trong số 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất cả nước. Năm 2023, Bộ Y tế ghi nhận có 82 trường hợp tử vong do dại, tăng 12 ca so với năm trước. 500.000 người phải chích ngừa, chi phí 600 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ