Số người tiêm ngừa bệnh dại sau Tết tăng hơn 60%

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hệ thống tiêm chủng VNVC ghi nhận số người đến tiêm ngừa dại tại hơn 160 trung tâm tăng hơn 60% so với ngày thường, từ ngày 13/2 đến 15/2.

Khách hàng tiêm ngừa dại tại VNVC. Ảnh: VNVC
Khách hàng tiêm ngừa dại tại VNVC. Ảnh: VNVC

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, hầu hết các trường hợp đến tiêm dại do bị chó mèo cắn cào khi đi chơi dịp Tết.

Việc tăng di chuyển mùa lễ là một trong các nguyên do khiến số lượt tiêm ngừa dại tăng cao. Bên cạnh đó, các trung tâm tiêm chủng nghỉ Tết khiến những người cần tiêm chủng tập trung đến vào những ngày đầu hoạt động trở lại.

Virus dại có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua mọi loại vết thương hở, không phân biệt lớn nhỏ, chảy máu hay không. Bệnh có thời gian ủ bệnh phức tạp, có thể từ 7-10 ngày hoặc kéo dài vài tuần, vài năm, tuỳ vào tình trạng và vị trí vết cắn. Vết thương càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, ngón tay… có thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bộ Y tế ghi nhận năm 2023 cả nước có 82 trường hợp tử vong do dại, tăng 12 ca so với năm trước, 500.000 người phải chích ngừa, chi phí 600 tỷ đồng. Hầu hết các ca tử vong do dại đều không rõ lịch sử tiêm ngừa hoặc không tiêm khi bị chó, mèo cào và cắn.

Bệnh có thể hung dữ và thể liệt, thể hung dữ phổ biến hơn với 80% ca mắc. Dấu hiệu điển hình là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, rối loạn tri giác, co giật toàn thân, co thắt cơ hô hấp, sặc, khó thở, ngưng tim, hôn mê, tử vong nhanh trong vòng 2 - 4 ngày kể từ khi khởi phát.

Với thể liệt, bệnh nhân bị tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu và đại tiện, liệt tay, chân và tử vong ngay khi liệt cơ hô hấp. Người mắc bệnh dại thể liệt vẫn tỉnh táo hoàn toàn và đau đớn cho đến lúc tử vong.

Bác sĩ Chính khuyến cáo, khi bị chó mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cào, cần sơ cứu vết thương để giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn.

Các bước sơ cứu có thể thực hiện ngay gồm rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng trong 15 phút, sau đó rửa lại vết thương bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn iốt.

Sau đó, đến ngay trung tâm tiêm chủng gần nhất để được bác sĩ thăm khám và đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp.

Tuyệt đối không nặn máu, chà xát, tránh gây dập nát, không băng kín vết thương khiến virus dại xâm nhập nhanh hơn vào cơ thể.

Vắc xin dại được khuyến cáo cần tiêm đủ phác đồ trong lần tiêm đầu tiên sau phơi nhiễm. Các lần tiêm sau chỉ cần bổ sung 2 mũi. Đối với vết thương nặng cần kết hợp tiêm huyết thanh. Tùy vào mức độ vết thương, bác sĩ có thể tư vấn tiêm thêm vắc xin uốn ván.

Ngoài ra, người thường xuyên tiếp xúc với động vật, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại cao có thể chủ động dự phòng vắc xin trước khi bị cào, cắn.

Phác đồ tiêm dự phòng dại chỉ cần 3 mũi, tiêm bổ sung 2 mũi khi có vết thương và không cần tiêm huyết thanh dù vết thương nặng và gần hệ thần kinh trung ương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.