Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre (CDC), Bến Tre đứng đầu cả nước về số ca tử vong do bệnh dại trên người. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 11 trường hợp tử vong bệnh dại trên người.
Các ca mắc ghi nhận tại Mỏ Cày Bắc (3 ca), Châu Thành ( 3 ca), Bình Đại ( 2 ca), Ba Tri (1 ca), Thạnh Phú (1 ca), Giồng Trôm (1 ca).
Phần lớn các trường hợp tử vong do dại là không tiêm ngừa vắc xin mà tự đi điều trị bằng các phương pháp dân gian như uống thuốc nam, lấy nọc. Đây là phương pháp chưa được công nhận.
Giám đốc CDC tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Định cho biết: “Tử vong do bệnh dại là điều rất tiếc và sót, bởi bệnh dại là một bệnh hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa được. Thời gian qua, người dân còn quá chủ quan với căn bệnh này. Nhiều người không tiêm vắc xin phòng bệnh dại hoặc tiêm không đầy đủ khi bị chó mèo cắn. Tính từ đầu năm 2021 đến ngày 14/8/2022, toàn tỉnh có 20 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó chỉ có duy nhất 1 trường hợp đi tiêm ngừa nhưng không tiêm đủ phác đồ”.
Đánh giá tại hội nghị phối hợp y tế - thú y trong phòng chống bệnh dại tại Bến Tre, Phó viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Thượng cho rằng: Nhiều khả năng sẽ còn xuất hiện các ca tử vong do bệnh dại trên người trong thời gian tới bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết, tỷ lệ tiêm ngừa trên tổng đàn chó toàn tỉnh còn thấp. Khó khăn chung về tình trạng thiếu vắc xin phòng dại cùng với tập tục nuôi chó thả rông, không tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi sẽ làm gia tăng nguy cơ tử vong do dại.
Theo khuyến cáo ngành Y tế, mọi người dân nuôi chó mèo phải tiêm vaccine phòng bệnh dại đầy đủ, đúng lịch; xích nhốt, tuyệt đối không được thả rông chó mèo.
Khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại, nghi dại tuyệt đối không tiếp xúc với con vật bị bệnh dại hoặc nghi dại để hạn chế sự lây nhiễm virus dại sang người.
Đồng thời, phải báo cáo ngay cho chính quyền, y tế, thú y địa phương để có biện pháp xử lý con vật bị dại và những con vật đang sống...