Nhiều bãi kinh doanh vật liệu trái phép
Theo phản ánh của người dân xã Tân Hương, các bến bãi dọc chân cầu Ràm thuộc xã Tân Hương hoạt động đã lâu tuy nhiên đều trong tình trạng chưa có giấy phép. Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, trước đây chân cầu Ràm là khu vực trồng cây bãi bồi ven sông. Năm 2017, xã Tân Hương có kí hợp đồng cho 5 hộ dân thuê đất để kinh doanh vật liệu xây dựng.
Hàng ngày, một lượng lớn xe tải ra vào, bốc xúc các loại vật liệu như: Cát đen, cát vàng, đá sỏi, xi măng, gạch đá... Thậm chí, các chủ bến bãi kè bờ sông, lập bến thủy nội địa để tàu, thuyền bốc hàng, vận chuyển vật liệu xây dựng.
Một người dân sống gần cầu Ràm cho hay: Mỗi ngày có đến hàng chục lượt xe tải chở cát, sỏi, đá ra vào tại các bến bãi này. Các xe chở đầy ắp làm rơi vãi vật liệu xuống đường, bụi bay khắp nơi khiến môi trường tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Thi, cán bộ địa chính xã Tân Hương cho biết: Khu vực cầu Ràm nằm trong vùng quy hoạch bến bãi của tỉnh Hải Dương nhưng việc cấp phép cho các hộ dân kinh doanh tại khu vực này thì chưa có. Hiện tại, xã Tân Hương kí hợp đồng thuê đất với các hộ bà Hà Thị Bưởi, Đỗ Hữu Vang, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Giang, Hà Huy Khỏe, Trịnh Văn Thịnh. Với giá trị hợp đồng 150.000 đồng/sào/ tháng. Trung bình mỗi hộ thuê khoảng trên 2.000m2.
|
Từ nhiều năm nay, các bến bãi trên vẫn vô tư hoạt động mà không được sự cho phép của bất kỳ cơ quan chức năng nào. Điều lạ rằng, mặc dù không đủ thẩm quyền cho thuê đất làm bến bãi kinh doanh nhưng UBND xã Tân Hương vẫn ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê đất hoạt động kinh doanh.
Biến thành bãi tập kết chất thải công nghiệp
Trên địa bàn huyện Ninh Giang nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung tồn tại rất nhiều bến bãi trái phép. Nguyên nhân một phần do những tồn tại từ vài chục năm trước để lại, một phần do cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành với địa phương còn lỏng lẻo trong khi chế tài chưa đủ mạnh nên ngày càng xuất hiện nhiều bến bãi trái phép.
Khi được hỏi, ông Bùi Ngọc Thi, cán bộ địa chính xã cho biết: Trước đó, hộ ông Vang nhiều lần tập kết phế phẩm của nhà máy may, xã có ra nhắc nhở và đã dọn đi ngay nhưng lần này, hộ ông Vang mới tập kết thì xã chưa nắm được. Xã sẽ yêu cầu ông Vang di chuyển số phế phẩm này ra khỏi khu vực bến bãi.
Hiện tại không chỉ hoạt động bến bãi, vật liệu xây dựng, tại diện tích hộ ông Đỗ Hữu Vang (khu Cầu Ràm, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang), còn tập kết nhiều loại chất thải ngay tại mép sông.
Một công nhân làm tại bến bãi này cho hay: Chất thải này được ông Vang mua lại từ một công ty xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Sau khi được tập kết về bãi, công nhân sẽ phân thành các loại khác nhau, một phần tái sử dụng, phần bán cho các đơn vị có nhu cầu và còn lại chuyển sang Thái Bình tiêu hủy.
Phía chính quyền xã Tân Hương khẳng định, việc hộ ông Vang tập kết rác thải khi không được phép của cơ quan chức năng là có thực. Nhưng UBND xã Tân Hương chỉ nhắc nhở doanh nghiệp bằng “miệng” chứ không thông báo bằng công văn và không có biện pháp xử phạt.