Biên phòng Hà Tĩnh vượt thẩm quyền “giam” xe hàng của DN khi qua cửa khẩu

GD&TĐ - Dù đã làm đầy đủ thủ tục thông quan tại hải quan, nhưng nhiều xe vận tải chở hàng hóa của DN vẫn bị lực lượng biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Biên phòng Hà Tĩnh) gây khó dễ “giam” xe hàng của DN nhiều giờ liền trái với quy định, khiến họ bức xúc, phản ứng…

Hàng loạt xe hàng của DN bị "giam" khi đi qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Hàng loạt xe hàng của DN bị "giam" khi đi qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

DN phản ứng khi biên phòng không cho nhập cảnh

Sáng 7/11, PV Báo GD&TĐ nhận được điện thoại của nhiều DN vận tải từ Lào về Việt Nam phản ánh việc lực lượng biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo (thuộc Biên phòng Hà Tĩnh) cản trở, gây khó dễ khi không cho các xe hàng của họ nhập cảnh, dù đã làm thủ tục thông quan.

Theo bà N.T.H, một DN kinh doanh nước uống, bột giặt, mỹ phẩm có địa chỉ tại huyện Hương Sơn bức xúc: Chiều 6/11 bà có một lô xe hàng hóa vận chuyển từ Lào về Việt Nam, khi đi qua Cửa khẩu Cầu Treo dù đã thực hiện đầy đủ các giấy tờ hợp pháp, hoàn tất thủ tục thông quan theo đúng quy đinh, nhưng khi qua trạm biên phòng thì bị lực lượng này yêu cầu cho kiểm tra và không cho nhập cảnh”.

“Lý do mà lực lượng biên phòng Cửa khẩu giữ xe, không cho xe hàng chúng tôi về là vì không trình tờ khai hải quan và không báo số lượng hàng về hàng ngày. Rồi họ cản trở, gây khó dễ, thậm chí khịa ra đủ thứ giấy tờ, trong đó yêu cầu DN phải nộp thêm phí kết cấu hạ tầng 800.000 ngàn đồng/xe… Đây là nhiệm vụ của hải quan và hải quan đã kiểm tra, xác nhận đầy đủ thủ tục giấy tờ thì DN được phép nhập cảnh. Tuy nhiên, trái với thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ, biên phòng lại yêu cầu được kiểm tra hàng hóa của DN rồi giữ xe chúng tôi lại trái với quy định” – bà H bức xúc.

DN bức xúc khi phương tiện đã xong thủ tục thông quan từ hải quan, nhưng vẫn bị lực lượng biên phòng cửa khẩu giữ lại nhiều ngày.
 DN bức xúc khi phương tiện đã xong thủ tục thông quan từ hải quan, nhưng vẫn bị lực lượng biên phòng cửa khẩu giữ lại nhiều ngày.

Theo nữ DN này, biên phòng phải nắm rõ vai trò, chức trách của mình tại khu vực cửa khẩu, biên giới là đảm bảo an ninh, trật tự chứ không được phép lạm quyền bằng cách cứ hễ có xe vận tải qua trạm là yêu cầu kiểm tra “lục tung” hàng hóa của chúng tôi lên, trong khi thủ tục thông quan đã đầy đủ?

“Khi xe bị “giam” tại cửa khẩu, việc giao hàng của DN cũng bị chậm trễ, bên cạnh đó DN phải bù tiền ăn uống cho lái xe qua đêm, phải trả tiền công cho người Lào 500 ngàn/đêm, cộng nhiều xe lại với nhau DN thiệt hại rất lớn” – DN này bức xúc.

Một DN khác cũng cho biết, thời gian gần đây khi hàng hóa, xe cộ chúng tôi qua cửa khẩu Cầu Treo gặp rất nhiều khó khăn khi thông quan. Rất nhiều thủ tục, giấy tờ buộc DN phải kê khai, thậm chí có những loại phí như phí cơ sở hạ tầng mỗi xe thu gần 1 triệu đồng, chúng tôi chưa được phổ biến mà cũng bắt DN nộp. Khi chúng tôi không đồng ý thì họ gây khó dễ bằng cách giữ xe nhiều ngày liền, thiệt hại mà DN phải chịu là rất lớn.

Phải chăng biên phòng vượt thẩm quyền?

Trao đổi với PV, Báo GD&TĐ, thiếu tá Trần Văn Song, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cầu Treo cho hay, nguyên nhân việc trạm này chưa cho các lô xe trên nhập cảnh là do chưa có giấy phép liên vận Việt – Lào của lực lượng Hải quan.

Trái ngược với câu trả lời của ông Song, ông Lê Văn Hạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cầu Treo khẳng định: “Tính đến sáng 7/11 tất cả các phương tiện, hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Cầu Treo, Chi cục đã kiểm tra làm thủ tục, đóng dấu thông quan đầy đủ. Như vậy, DN được phép nhập cảnh”.

Lãnh đạo hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trả lời báo chí
 Lãnh đạo hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trả lời báo chí

Trả lời cho câu hỏi, việc dừng phương tiện, hàng hóa của DN tại cửa khẩu Cầu Treo của lực lượng Bộ đội biên phòng có đúng theo quy định hay không? Đại tá Võ Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh nói: “Thủ tục để thông quan đối với các phương tiện, hàng hóa khi qua cửa khẩu là thuộc chức trách, nhiệm vụ của hải quan. Biên phòng chỉ có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự khu vực của khẩu”.

“Chỉ khi phát hiện phương tiện, hàng hóa có vấn đề thì biên phòng có trách nhiệm phối hợp các cơ quan chức năng tại cửa khẩu làm rõ, bàn giao cho Hải quan xử lý theo quy định” -  đại tá Hải nhấn mạnh.

Đại tá Võ Hồng Hải, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh.
 Đại tá Võ Hồng Hải, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh.

Đại tá Hải cho rằng, DN bức xúc phản ánh như vậy thì chắc chắn là phải có vấn đề. “Sau buổi làm việc này tôi sẽ báo cáo lại với Chỉ huy trưởng để cho kiểm tra lại. Nếu có câu chuyện như DN phản ánh là Bộ độ Biên phòng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.

Lúc này, dư luận cho rằng, việc biên phòng tự ý kiểm tra rồi “giam” hàng hóa của DN nhiều ngày liền là trái với quy định, vượt quyền hạn cho phép. Vấn đề này cần sự vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng liên quan, tránh gây tiền lệ xấu, chồng lấn nhiệm vụ ở cửa khẩu đường bộ, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới Cầu Treo.

Điều 23 Nghị định 112 đã quy định “Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hải quan tại cửa khẩu biên giới theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Như vậy, thì nghiễm nhiên cơ quan Hải quan sẽ thực hiện đầy đủ các chức năng theo quy định của Luật Hải quan và lực lượng Biên phòng sẽ thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với phương tiện XNC, hàng hóa XNK theo chức năng được quy định của lực lượng Biên phòng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ