Bé trai 9 tuổi mắc bệnh tự kỷ nuốt lò xo vào cổ họng

GD&TĐ - Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa cấp cứu cho bé trai L.T.D.M. (9 tuổi, bị tự kỷ) đã nuốt lò xo 2 càng móc vào trong họng.

Các bác sĩ đã gặp dị vật ra ngoài thành công. Ảnh: SKĐS.
Các bác sĩ đã gặp dị vật ra ngoài thành công. Ảnh: SKĐS.

Theo thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này vừa gắp thành công dị vật là một chiếc lò xo cho một bé trai 9 tuổi (ngụ Quận 3), mắc bệnh tự kỷ nuốt phải, trước nguy cơ bị viêm nhiễm, áp xe phổi hoặc thực quản dễ dẫn tới nguy hiểm tính mạng.

Theo lời kể của ba bé trai trên, trước khi nhập viện 1 giờ, khi bé đang chơi ở nhà thì người nhà phát hiện bé bị dị vật trong họng. Ngay lập tức, bé được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh.

Bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân không khó thở thanh quản, không có hội chứng xâm nhập. Các bác sĩ đã tiến hành khám, thực hiện các xét nghiệm lâm sàng, X-quang và soi dị vật. Qua đó phát hiện một lò xo sắt 2 càng, chiều dài mỗi càng 3cm, trong đó 1 càng bị cài ở thành sau họng.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định gây mê để lấy dị vật cho trẻ. Sau lấy dị vật niêm mạc trầy xước ở thành sau họng và thanh thiệt.

Theo Ths.BSCK II Trương Mỹ Thục Uyên - Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, so với trẻ bình thường, trẻ tự kỷ có nhiều nguy cơ hóc phải dị vật hơn. Theo một nghiên cứu năm 2021, trẻ tự kỷ ảnh hưởng tiêu cực gấp 3-4 lần so với trẻ bình thường. Đặc biệt là dịch Covid-19 vừa qua, khi thực hiện giãn cách xã hội, trẻ không được đến trường, dễ dẫn đến các hành vi tiêu cực, làm những hành động có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe mà không biết.

Rất may bệnh nhân nhập viện ngay khi vừa nuốt dị vật khoảng 1 tiếng. Tuy nhiên, do trẻ bị tự kỷ nên không hợp tác, khó khăn trong quá trình khám bệnh. Tình trạng này để lâu có thể gây nhiễm trùng, đâm thủng những cấu trúc trong họng liên quan đến vùng thực quản, gây viêm nhiễm thực quản, áp xe phổi, ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.

Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết hóc dị vật đó là trẻ có cảm giác nuốt khó và đau. Nếu dị vật lớn thì trẻ không nuốt được nước bọt và nhổ nước bọt liên tục. Thường các bé tự kỷ không tương tác được bình thường nên người lớn phải theo dõi các cháu.

Khi phụ huynh phát hiện con mình nuốt phải dị vật hoặc nghi ngờ con hóc dị vật cần đưa con đến Bệnh viện Tai Mũi Họng khám kịp thời bởi khi để muộn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ