Bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII: Xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

*  Thông qua nhiều dự án luật

*  Giám sát tối cao nhiều lĩnh vực quan trọng

(GD&TĐ) - Ngày 21/6, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII. Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, với trọng trách trước nhân dân, các đại biểu Quốc hội đã làm việc tích cực, thể hiện tâm huyết, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng giải pháp phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn phát triển đất nước…

Quốc hội làm việc phiên bế mạc chiều 21/6
Quốc hội làm việc phiên bế mạc chiều 21/6

Cụ thể sau 27 ngày làm việc (trong đó có 44 phiên họp toàn thể tại hội trường và 10 phiên họp tại tổ), với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội đã cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đây là đợt sinh hoạt chính trị trong toàn dân, trong nước và nước ngoài…

Đặc biệt kỳ họp này là lần đầu tiên Quốc hội dùng quyền giám sát tối cao của mình đối với vấn đề nhân sự. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm thể hiện sự đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Do đây là công việc hết sức quan trọng, lại là lần đầu tiên trong lịch sử nên QH đã tiến hành với tinh thần hết sức nghiêm túc, thận trọng, khách quan trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ thông tin, tuân thủ quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm.

Quốc hội đã thảo luận, thông qua 09 dự án luật và 02 Nghị quyết quan trọng, bao gồm: Luật Hòa giải cơ sở; Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi); Luật Giáo dục quốc phòng – an ninh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp; Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, năm 2013 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014; Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất cây trồng hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, năm 2013 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 đã quyết định: Bổ sung 10 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ khóa XIII; bổ sung 04 dự án luật và 01 nghị quyết vào chương trình năm 2013; năm 2014, Quốc hội xem xét, thông qua 29 dự án luật, 01 nghị quyết, đồng thời cho ý kiến về 11 dự án luật để điều chỉnh, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua vào năm 2015; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua 02 dự án pháp lệnh năm 2014.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc Quốc hội thông qua 09 dự án luật và các Nghị quyết nói trên đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Như vậy, so với chương trình đề ra Luật Đất đai sửa đổi chưa được thông qua tại kỳ họp này. Lý do đây là một đạo luật quan trọng, tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và mọi người dân. Chưa kể một số nội dung của dự thảo Luật có liên quan đến dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Hiện nay, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 192 đang được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi thông qua Hiến pháp 1992 (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.

Khánh Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?