ADMM+ với chủ đề “Hợp tác chiến lược vì hòa bình và phát triển ở khu vực” kết thúc với việc bộ trưởng quốc phòng và đại diện bộ trưởng quốc phòng của 10 nước ASEAN và tám nước đối tác đối thoại của ASEAN ký tuyên bố chung.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh: "Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp". |
Theo thông báo của Chủ tịch Hội nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất đã thành công tốt đẹp.
“Với tư cách là Chủ tịch Hội nghị, tôi vui mừng thông báo và chia sẻ tin vui này với các bạn,” Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói.
Các Bộ trưởng Quốc phòng và Đại diện Bộ trưởng Quốc phòng đã cùng nhau chia sẻ trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh của khu vực và thế giới, trong đó nhấn mạnh đến những phát triển nhanh chóng trong bối cảnh an ninh khu vực và thế giới với thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen, mang tính xuyên quốc gia và ngày càng phức tạp, khó lường.
Theo Chủ tịch Hội nghị, điều này đòi hỏi các nước cần có sự hợp tác chặt chẽ, tập trung và thực chất hơn để chia sẻ và bổ sung cho nhau về nguồn lực, kinh nghiệm chuyên môn nhằm đối phó hiệu quả hơn với những vấn đề an ninh chung trong khu vực.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Quốc phòng đã tập trung thảo luận sâu rộng về tiềm năng, triển vọng và định hướng hợp tác thiết thực trong khuôn khổ ADMM+.
Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận trong xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, bao gồm: hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, chống khủng bố, quân y, và hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Đây là những lĩnh vực mà các nước cùng quan tâm, có lợi ích và phù hợp với khả năng tham gia của mỗi nước.
Để triển khai các lĩnh vực hợp tác trên, Hội nghị đã nhất trí giao cho các Quan chức Quốc phòng Cấp cao ASEAN Mở rộng thành lập các Nhóm chuyên gia.
Chủ tịch Hội nghị khẳng định, ADMM+ đầu tiên này đánh dấu một bước phát triển mới trong tiến trình mở rộng hợp tác của ASEAN với các nước ngoài khu vực, thể hiện nỗ lực và quyết tâm cao của các Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên ASEAN cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ và tham gia tích cực của các Bộ trưởng Quốc phòng các nước đối tác đối thoại với tiến trình ADMM+, vì một khu vực hòa bình, ổn định và phát triển.
“Tuyên bố chung của Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất đã phản ánh rất rõ quyết tâm chính trị này,” Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, ADMM+ lần đầu tiên đã thực sự mở ra một cơ chế đối thoại chính thức và hợp tác cấp cao nhất (cấp Bộ trưởng) về quốc phòng và an ninh giữa ASEAN với các nước ngoài khu vực, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 10 năm 2010. Hội nghị do Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ADMM chủ trì. Tham gia Hội nghị có các Bộ trưởng Quốc phòng, Đại diện Bộ trưởng Quốc phòng và đại biểu từ 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước Đối tác Đối thoại của ASEAN gồm Ốt-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Niu Di-lân, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Hội nghị còn có sự tham dự của ngài Su-rin Pít-xu-văn, Tổng Thư ký ASEAN.
Quang Anh
Tuyên bố chung của Hội nghị: Chúng tôi, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Australia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ, Nhật Bản, Đại hàn Dân Quốc, New Zealand, Liên bang Nga, và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tham dự Hội nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ nhất (sau đây gọi tắt là “ADMM+”) tại Hà Nội, Việt Nam ngày 12 tháng 10 năm 2010. Hoan nghênh quyết định của Hội nghị ADMM-4 được tổ chức ngày 11 tháng 5 năm 2010 giao cho Việt Nam tổ chức Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất vào năm 2010, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN, với thành phần gồm 10 nước Thành viên ASEAN và tám nước Đối tác Đối thoại là Australia, Trung Quốc, Cộng hòa Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Liên bang Nga và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (sau đây gọi tắt là các nước “Cộng”); Ghi nhận những đóng góp tích cực của 8 nước “Cộng” vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á cũng như nguyện vọng thúc đẩy hợp tác với ASEAN của các bên Đối tác Đối thoại thông qua ADMM+; Nhận rõ các thách thức an ninh hiện nay ở khu vực cũng như trên phạm vi toàn thế giới ngày càng phức tạp và mang tính xuyên quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước trong khu vực; Thừa nhận tầm quan trọng của việc thiết lập ADMM+ là một bộ phận chủ chốt của một cấu trúc an ninh khu vực mạnh, hiệu quả, mở và dung nạp, từ đó cho phép ADMM hợp tác với 8 nước “Cộng” để đối phó với các thách thức an ninh chung; Tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong tiến trình ADMM+ và rằng ADMM+ là một phần không thể tách dời của ADMM, sẽ đóng góp tích cực vào nỗ lực của ASEAN để thực hiện Cộng đồng Chính trị-An ninh vào năm 2015; Tái khẳng định cam kết của chúng ta như đã nêu trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt và cùng có lợi, và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về tôn trọng chủ quuyền, bình đẳng, không can thiệp, đồng thuận và thống nhất trong đa dạng; Ghi nhận rằng ADMM+ là cơ chế hợp tác và tham vấn về quốc phòng và an ninh cao nhất cấp Bộ trưởng về các vấn đề an ninh khu vực giữa các nước Thành viên ASEAN và 8 nước “Cộng”; Nhắc lại các nguyên tắc và thể thức được quy định trong các tài liệu được các Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN thông qua, gồm Tài liệu Khái niệm ADMM+ (2007); Tài liệu ADMM+: Nguyên tắc kết nạp thành viên (2009); Tài liệu ADMM+: Cơ cấu và Thành phần (2010); và Tài liệu ADMM+: Thể thức và Thủ tục (2010). Sau đây cam kết: 1. Khẳng định cam kết của chúng ta về thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực; 2. Thúc đẩy ADMM+ thành một diễn đàn hữu ích và có hiệu quả hợp tác về các vấn đề quốc phòng và an ninh nhằm đóng góp hữu ích cho hòa bình và an ninh của khu vực; 3. Tăng cường hữu nghị, tin tưởng lẫn nhau thông qua đối thoại và trao đổi nhiều hơn giữa các cơ sở quốc phòng ADMM+; 4. Thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực thông qua thực hiện hợp tác cụ thể và thiết thực nhằm giải quyết các vấn đề quốc phòng an ninh cùng quan tâm, trong đó hướng tới xây dựng năng lực, phát triển chuyên môn, và tăng cường phối hợp trong các lĩnh vực mà có thể đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực; 5. Hoan nghênh các sáng kiến về hợp tác thiết thực như được nêu trong Tài liệu Thảo luận “Tiềm năng, triển vọng và định hướng hợp tác thiết thực trong khuôn khổ ADMM+”; 6. Thiết lập Hội nghị Quan chức Quốc phòng Cấp cao ASEAN Mở rộng (ADSOM+) để thực hiện các thỏa thuận và quyết định của ADMM+; 7. Giao ADSOM+ thiết lập các Nhóm Công tác Chuyên gia về những vấn đề an ninh cùng quan tâm; và 8. Hoan nghênh việc tổ chức Hội nghị ADMM+ lần thứ hai tại Bru-nây vào năm 2013. Ký tại Hà Nội, Việt Nam ngày 12 tháng 10 năm 2010 bằng một bản gốc tiếng Anh duy nhất. |