Bé gái tị nạn gây chia rẽ nước Úc

Bé gái Asha sinh tại Úc và có cha mẹ là người Nepal được kỳ vọng tạo ra bước ngoặt về chính sách tị nạn khắc nghiệt ở nước này sau khi Bộ trưởng Di trú Úc Peter Dutton cho phép gia đình em chuyển đến một cơ sở tạm trú ở địa phương.

Bé gái tị nạn gây chia rẽ nước Úc

Asha – tiếng Nepal có nghĩa là “niềm hy vọng” – cùng hàng trăm người tị nạn vô danh khác đang phải đối mặt với lệnh trục xuất từ chính phủ Úc đến một trại giam trên đảo Nauru, phía Nam Thái Bình Dương.

Hồi tháng trước, bé gái 1 tuổi này được đưa tới bệnh viện TP Brisbane – Úc để điều trị những vết bỏng nặng. Cho đến cuối tuần qua, hàng trăm người biểu tình tập trung quanh bệnh viện nơi Asha điều trị để ngăn cản chính quyền Canberra trục xuất cô bé và gia đình.

Hôm 22-2, Bộ trưởng Di trú Úc Peter Dutton đành nhượng bộ, tuyên bố cho phép gia đình em được chuyển đến một cơ sở tạm trú ở Brisbane, nhưng sự đi lại bị hạn chế.

Cùng ngày, bé Asha đã được cho xuất viện. Trước đó, các bác sĩ đã từ chối làm điều này do lo ngại bé có thể bị đưa đến Nauru.

So với châu Âu, Úc tiếp nhận số lượng người tị nạn không đáng kể nhưng an ninh biên giới từ lâu đã trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng.

 Người biểu tình tập trung ủng hộ bé Asha bên ngoài một bệnh viện ở TP Brisbane hôm 21-2. Ảnh: AAP

Người biểu tình tập trung ủng hộ bé Asha bên ngoài một bệnh viện ở TP Brisbane hôm 21-2. Ảnh: AAP

Người biểu tình kêu gọi cho trẻ di cư ở lại Úc. Ảnh chụp ở TP Melbourne ngày 19-2-2016. Ảnh: Reuters
Người biểu tình kêu gọi cho trẻ di cư ở lại Úc. Ảnh chụp ở TP Melbourne ngày 19-2-2016. Ảnh: Reuters

Chính phủ liên minh Úc do Đảng Tự do bảo thủ lên nắm quyền vào năm 2013 phát động chiến dịch “Dừng những con thuyền”, mục đích áp dụng biện pháp cứng rắn để ngăn làn sóng người tị nạn. Theo đó, tất cả di dân đi thuyền tới Úc đều bị giam giữ và gửi đến đảo Nauru hoặc đảo Manus ở Papua New Guinea.

Một số trường hợp bị bắt quay lại nơi xuất phát.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế và Liên Hiệp Quốc đã chỉ trích chính sách này của Canberra, đặc biệt là tình trạng trẻ di cư bị giam giữ ở các trại ngoài khơi và thường xuyên bị lạm dụng.

Điều phối viên Ian Rintoul của Liên minh Hành động về người tị nạn, nói về cuộc biểu tình hỗ trợ bé Asha: “Tôi nghĩ đã có một một bước ngoặt lớn đối với những di dân kể trên”.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng điều đó cũng không thể tác động đến chính sách nhập cư của chính phủ bởi cuộc biểu tình chỉ đánh dấu một sự thay đổi thái độ của dư luận.

Điều thể hiện rõ qua tuyên bố của ông Dutton, theo đó một khi những vấn đề y tế và pháp lý xung quanh vết thương của bé Asha được giải quyết xong, bé gái này sẽ được đưa đến Nauru.

“Chúng ta không thể cho người nhập cư trái phép nghĩ rằng nếu họ tìm kiếm sự hỗ trợ trong một bệnh viện tại Úc thì họ sẽ trở thành công dân Úc. Một khi giải quyết xong vấn đề y tế và pháp lý, họ sẽ trở lại Nauru” – ông Dutton nói với đài ABC.

Theo Người Lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ