Bé gái 12 tuổi tự tử do trầm cảm: Giật mình tiết lộ của bác sĩ

GD&TĐ - Một bé gái 12 tuổi được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng hôn mê, dù các bác sĩ cố gắng cứu chữa nhưng đã quá muộn, sau vài giờ gia đình xin đưa con về.

Bé gái 12 tuổi tự tử do trầm cảm: Giật mình tiết lộ của bác sĩ

Câu chuyện đau lòng về bé gái 12 tuổi thắt cổ tự tử qua đời vì trầm cảm được TS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ tại hội thảo Rối loạn tâm thần tuổi học đường ngày 24/11.

Trước đó, bé gái 12 tuổi ở Hà Nội đã bị cô giáo phê bình vì ở trên lớp nói chuyện, làm việc riêng dù em đã thanh minh rằng mình không làm điều này. Sau đó về nhà, gia đình lại yêu cầu em viết bản kiểm điểm.

Gia đình phát hiện em treo cổ ở trên tầng 2, vội đưa đi cấp cứu nhưng không còn kịp nữa. Theo chia sẻ của gia đình, bố mẹ bé có đời sống hôn nhân không hạnh phúc.

Bác sĩ Loan cũng thông tin, hiện tại Khoa Sức khỏe Vị thành niên – Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị cho 1 bé gái 13 tuổi ở Hà Nội. Qua tìm hiểu, bé gái không hợp bố mẹ và chỗ dựa tinh thần chính là anh trai. Khi anh trai đi du học, cô bé rơi vào trạng thái hụt hẫng rồi kéo dài thành trầm cảm, từng có ý tưởng tự sát.

Điều trị cho trẻ bị rối loạn tâm thần tại BV Nhi trung ương. Ảnh: PLO.

Điều trị cho trẻ bị rối loạn tâm thần tại BV Nhi trung ương. Ảnh: PLO.

Theo bác sĩ Loan, hiện nay, nhiều trường hợp trẻ bị sang chấn tâm lý, để lại hậu quả nặng nề, thậm chí nảy sinh các hành động bồng bột như tự gây thương tích, tự tử.

Giữa các em bị rối loạn tâm thần và bố mẹ luôn có độ vênh về quan điểm. Cha mẹ thường chỉ nhìn từ góc nhìn của người lớn, cho rằng mình nói như vậy không vấn đề gì nhưng từ phía con trẻ lại thấy bị tổn thương.

Theo Tổ chức Y tế thế giới cho thấy 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên và là nguyên nhân thứ 3 gây tử vong ở nhóm này.

Tại Việt Nam, năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành một cuộc khảo sát về rối loạn tâm thần với 834 học sinh tại Hà Nội cho thấy, tỉ lệ trầm cảm với các mức độ khác nhau là 31,3%, lo âu là 42,6%, stress là 38,8% và có trên 18% mắc cả 3 rối loạn.

Từ thực tế điều trị, TS Loan cho biết, số lượng học sinh đến tìm gặp bác sĩ để can thiệp tâm lý ngày càng tăng, song hầu hết đều đến ở giai đoạn giữa và muộn. Các trường hợp này cũng phần lớn được cô giáo phát hiện, do bố mẹ bận rộn không đủ thời gian quan tâm, tâm sự với con. Thậm chí có trường hợp đến 8 năm sau mới phát hiện ra thì đã ở giai đoạn rất nặng, điều trị khó khăn.

Đáng chú ý, về các bệnh nhân điều trị, chưa có trường hợp nào theo được 6-7 tháng để chữa trị đến tận cùng, thường ngay khi có những tiến triển là dừng. Việc không điều trị triệt để sẽ khiến trẻ dễ tái phát, có trường hợp phải quay lại viện nhiều lần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ