Anh vừa tốt nghiệp đại học, mặt còn búng ra sữa, tôi yêu anh nhưng sẵn sàng chờ đợi đến ngày anh chững chạc, trưởng thành và đủ tự tin để chủ động cầu hôn, không hiểu sao gia đình anh lại quyết định chóng vánh đến thế.
Sống ở nhà chồng một thời gian tôi mới biết, bố chồng đang bệnh nặng nên ông muốn nhìn thấy con trai ổn định sớm, biết đâu chúng tôi có "tin vui", ông sẽ kịp nhìn mặt cháu nội trước khi ra đi vĩnh viễn.
Điều đó không khiến tôi cảm thấy buồn hay hụt hẫng, các thành viên trong gia đình đều cư xử rất nhẹ nhàng, vui vẻ như không có chuyện gì, bởi mọi người đã xác định tư tưởng để bố chồng tôi cảm thấy thoải mái.
Vài tháng sau đám cưới, tôi mang thai, nhà chồng tổ chức tiệc mừng, ngày cháu trai đích tôn của gia đình chính thức chào đời, tiệc thôi nôi sau đó thậm chí còn to gấp 10 lần.
Bố chồng tôi khi ấy không đủ sức để bế cháu nữa, nhưng ánh mắt ông nhìn cháu đầy trìu mến và yêu thương, tôi thấy có cả sự toại nguyện và buông xả trông ánh mắt ấy.
Vài ngày sau ông đi, lo việc cho ông xong, mẹ chồng tôi là người thay đổi nhiều nhất. Bà làm việc nhà nhiều hơn, thậm chí bà còn nghĩ ra đủ thứ việc để giết thời gian, để không có lúc nào nghĩ đến người đã khuất, tôi rất thương bà nên chủ động gần gũi bà hơn, sẻ chia nhiều hơn cho bà nguôi ngoai.
Tôi không ngờ, đúng lúc gia đình đau buồn nhất thì chồng tôi lại giải tỏa cú sốc bằng cách... lén lút với một cô gái khác. Khi biết chuyện, tôi suy sụp hoàn toàn, tôi chắc chắn rằng mình đã trở nên xấu xí khi sinh con xong, thay vì dành thời gian ở bên chồng thì tôi chỉ chăm con và để ý đến cảm xúc của mẹ chồng, tôi trách anh nhưng lại trách bản thân nhiều hơn.
Dẫu vậy, tôi vẫn không đủ mạnh mẽ để đối diện với người đàn ông đã phản bội vợ. Tôi thu xếp hành lý và ôm con về nhà mẹ đẻ.
Mẹ chồng tôi biết con trai bà sai nên không dám giục tôi về, bà để tôi ở nhà mẹ đẻ đúng một năm rồi mới gọi: "Con à, con về nhà với mẹ nhé, mẹ hứa với con, thằng Thịnh sẽ không bao giờ tái phạm nữa, ngay khi con đi, nó đã khóc lóc đòi đón con về nhưng mẹ không cho, mẹ muốn con có thời gian suy nghĩ mọi chuyện thấu đáo để biết quyết định nào là tốt nhất cho mình, cho con cái...".
Tôi quay về ngôi nhà ấy với tâm trạng khá thoải mái, sau tất cả, tôi vẫn yêu chồng, thương mẹ chồng và mong con tôi có một gia đình toàn vẹn.
Khi trở về, tôi không hề biết bệnh trầm cảm của mẹ chồng ngày càng nặng. Khi tỉnh táo, bà nói những câu rất tình cảm và đúng đắn, nhưng khi "bất thường", bà khiến cả nhà sợ hãi.
Một hôm tôi đang đứng trong bếp pha sữa cho con thì mẹ chồng tôi hét lên: "Đứa nào lấy tiền trong ví của mẹ? Thằng Thịnh hả?". Chồng tôi gắt: "Khổ lắm! Mẹ lại thế rồi, con lấy tiền của mẹ làm gì, con cũng có tiền cơ mà".
Chẳng ai biết mẹ chồng tôi mất tiền thật hay không nhưng mỗi ngày bà sẽ gào lên như vậy ít nhất vài lần. Đáng sợ hơn, có những lần mẹ chồng đập vỡ bát đĩa, bình cắm hoa rồi khóc tức tưởi: "Giời ơi là giời! Sao tôi lại khổ thế này?". Giá như có ai đó chọc giận và hay làm việc gì sai trái thì có lẽ bà sẽ thấy thoải mái hơn khi tức giận, chửi bới, nhưng vì không ai làm gì nên những cơn giận của bà càng nguy hiểm và không có cách nào để giải tỏa.
Càng ngày tôi càng thấy sợ mẹ chồng, tôi rất ngại đến gần hay mở lời với bà. Chồng tôi khuyên: "Muốn mẹ mau hết trầm cảm thì em nên để mẹ gần gũi với cháu, có thằng bé ở bên, bà sẽ bận rộn và không nghĩ đến bố nữa".
Tôi nghe lời chồng nên không thuê ô sin mà để bà nội trông cháu. Con trẻ nghịch ngợm là chuyện hết sức bình thường, nhưng hễ thằng bé "tăng động" một chút là mẹ chồng tôi lại đỏ mặt rồi gào lên như thể bị ai siết cổ: "Giời ơi là giời! Sao ông cứ hành tôi mãi thế?".
Dù trong lòng tôi vẫn rất thương mẹ chồng bởi cú sốc tâm lý bà đang trải qua không dễ dàng chút nào nhưng tôi cũng không thể để con nhỏ tiếp tục chung sống với một người bà tâm lý bất ổn như vậy.