Bé 6 tuổi bị trúng bom van xin "đừng chôn cháu"

"Xin đừng chôn cháu", Fareed Shawky vừa khóc vừa van nài khi bác sĩ chữa trị những vết thương do bị mảnh đạn găm vào trên cơ thể cậu bé người Yemen. Vài ngày sau đó, em qua đời.

Bé 6 tuổi bị trúng bom van xin "đừng chôn cháu"
be-6-tuoi-bi-trung-bom-van-xin-dung-chon-chau

Cậu bé Fareed Shawky. Ảnh: CNN

Chỉ là một đứa trẻ nhưng hơn 6 tháng đất nước Yemen chìm trong chiến tranh đã dạy cho Fareed biết thực tế đắng cay. Nhiều người đã chết, sau đó được đem chôn.

"Xin đừng chôn cháu", Fareed nhắc lại trong nước mắt.

Ông bố trẻ đứng bên cạnh con và cố gắng mỉm cười như để xoa dịu nỗi sợ hãi trong cậu bé.

"Tôi đang cố gắng trấn an thằng bé và nước mắt tôi cứ rơi nhưng tôi không muốn nó thấy điều đó", al-Thamry Shawky nói. "Tôi đã nói với thằng bé rằng "Đừng sợ, con trai. Con sẽ khỏe thôi" ".

Khoảnh khắc đó đã được Ahmed Basha, một nhiếp ảnh gia, quay lại hồi tháng này.

"Tôi nghĩ cậu bé chỉ bị thương", Basha kể với phóng viên CNN tại ngôi nhà ở Taiz, thành phố lớn thứ ba của Yemen. "Tôi thậm chí không chắc là tôi có ghi âm khi cậu bé nói câu đó không. Tôi quan tâm đến chuyện quay phim hơn".

4 ngày sau đó, Fareed qua đời vì những vết thương ở đầu. Cậu bé đã được những người họ hàng chôn cất nhanh chóng. Cha của em không thể để mình thất hứa với con trai.

"Tôi đã không chôn thằng bé. Tôi không thể chôn cất nó", Shawky nói trong nước mắt. "Tôi đứng cách xa khi họ đặt thằng bé xuống đất".

Khi Basha hay tin Fareed qua đời, ông bắt đầu lục lại những hình ảnh mình đã quay. Ông đã đăng video cậu bé van xin được sống lên mạng và kể cho cả thế giới câu chuyện bi thương này.

Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận dù rất ít người chú ý tới cuộc chiến đang diễn ra ở Yemen. Đó là cuộc chiến tranh bị thế giới lãng quên, các nhà hoạt động nói, và cậu bé Fareed đã nhắc nhở mọi người về nó. Video nhận được hơn 160.000 lượt xem trên Facebook.

"Thảm họa của loài người"

Hai phe đối địch đang tranh giành quyền lực ở Yemen là phong trào nổi dậy Houthi của người Shiite và những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Abdu Rabu Mansour Hadi.

Phong trào ly khai ở miền nam, sự hiện diện mạnh mẽ của al-Qaeda dọc vùng duyên hải và sự nổi dậy gần đây của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) càng làm tình hình bạo lực thêm nghiêm trọng.

Liên minh Arab, do Arab Saudi đứng đầu, đã được thành lập để thay mặt chính phủ được quốc tế công nhận của ông Hadi can thiệp vào cuộc chiến.

Liên Hợp Quốc đã nhiều lần rơi vào bế tắc khi nỗ lực giải quyết cái mà cơ quan này gọi là "thảm họa loài người" ở Yemen. Tính đến giữa mùa hè này, xung đột đã giết chết hoặc làm bị thương hơn 27.000 người, theo Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OHCA), và đẩy 80% người dân vào tình trạng cần cứu trợ nhân đạo.

Cứ 5 người Yemen thì có 4 người đang sống trong cảnh thiếu thốn các nhu cầu cơ bản như nước uống, thực phẩm, chăm sóc y tế và chỗ ở.

Lời nhắc nhở của Fareed

Câu chuyện về cậu bé Fareed giờ đã trở thành một biểu tượng về cuộc đấu tranh và sự kiên cường của người Yemen. Các nhà hoạt động đang sử dụng từ khóa #dontburyme (Xin đừng chôn cháu) để kêu gọi chấm dứt cảnh đổ máu.

Fareed được gọi là "Aylan Kurdi của Yemen" khi gợi nhắc đến bé trai di cư người Syria bị chết đuối và trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9.

be-6-tuoi-bi-trung-bom-van-xin-dung-chon-chau-1

Fareed Shawky rơi vào hôn mê sau khi van xin "đừng chôn cháu" và qua đời hôm 17/10. Ảnh: Mirror

"Fareed đã chứng kiến cảnh chôn cất đứa trẻ hàng xóm bị trúng bom của lực lượng Houthi và bị ám ảnh. Vì thế em đã van xin "đừng chôn cháu" ", Hishal al-Omeisy, một nhà hoạt động Yemen nổi tiếng, viết trên Twitter.

Từ khóa ban đầu được viết bằng tiếng Arab nhưng sau đó khi câu chuyện lan rộng, nhiều người bắt đầu viết nó bằng tiếng Anh.

Gia đình của Fareed cáo buộc phiến quân Houthi gây ra cái chết cho con trai mình. Cậu bé đang chơi trốn tìm ở ngoài nhà thì trở thành nạn nhân của một vụ tấn công bằng tên lửa. 4 đứa trẻ khác cũng bị thương.

"Đột nhiên tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn. Khói bụi rơi xuống đầu chúng tôi. Mọi người cảm nhận vụ nổ như ở ngay cạnh mình", người cha Shawky kể. "Tôi không kịp mặc áo, chạy luôn ra ngoài đường để tìm Fareed. Fareed đâu rồi?".

Hàng xóm nói với Shawky rằng con anh đã được xe cấp cứu đưa đến một trung tâm y tế gần đó. Anh liền hộc tốc chạy đến chỗ con trai. Đống đổ nát đã rơi trúng đầu Fareed, để lại một vết sưng lớn. Vài mảnh bom găm vào da thịt trên cơ thể nhỏ bé của em.

Ngay sau khi van xin cha hãy cứu mình, Fareed rơi vào hôn mê. Hôm 17/10, cậu bé qua đời.

"Fareed là cả cuộc đời với tôi", mẹ em nói. "Khi nghe thằng bé nói "mẹ ơi đừng chôn con", trái tim tôi như bị ai cào xé".

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ