Nhiều cơ sở đã công bố điểm sàn đến thí sinh như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Công Thương TPHCM… Số trường công bố điểm sàn áp dụng cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp còn tiếp tục tăng vào những ngày tới.
Điểm sàn là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, điều kiện căn bản để nộp hồ sơ xét tuyển của thí sinh. Ngoại trừ nhóm ngành Khoa học sức khỏe và Sư phạm do Bộ GD&ĐT quy định, điểm sàn các ngành còn lại do nhà trường tự tính toán. Tùy theo mức độ thu hút thí sinh/chỉ tiêu của từng trường mà điểm sàn được dự kiến khá đa dạng. Năm nay nhóm ngành “hot” ở các trường tốp trên điểm sàn dự kiến từ 20 trở lên, số đông còn lại phổ biến mức 15 - 20, thậm chí có trường/ngành còn tính toán đưa ra con số dưới 15.
Mức điểm sàn xét tuyển khá thấp không phải chuyện mới của năm nay, mà là xu hướng vài năm trở lại đây. Mục tiêu các trường nhằm thu hút người học, đảm bảo đủ số lượng nguồn tuyển trước khi lọc thí sinh chất lượng theo quy tắc từ cao xuống thấp, cũng như tham chiếu các tiêu chí để ra mức điểm chuẩn trúng tuyển.
Xu hướng công bố điểm sàn thấp dẫn đến một số vấn đề. Với nhóm trường có mức độ cạnh tranh cao, có trường/ngành điểm chuẩn cao hơn sàn 6 - 8 điểm. Như vậy, đưa ra mức điểm sàn quá thấp khiến nhiều thí sinh chủ quan. Một số em còn nhầm tưởng điểm sàn là điểm chuẩn, nên chỉ cần bằng hoặc cao hơn sàn 1 - 2 điểm đã vội chốt nguyện vọng. Các mùa tuyển sinh qua đã có không ít thí sinh phải trả giá trước “bẫy” điểm sàn thấp và trượt đại học.
Với nhóm trường có mức độ cạnh tranh thấp, việc đưa ra điểm sàn quá thấp cũng gắn với hệ quả tiếp theo là điểm chuẩn thấp. Thực tế tuyển sinh các năm cho thấy thí sinh có điểm thi thấp vẫn có cơ hội trúng tuyển nhiều ngành, trường, nhất là nhóm trường ngoài công lập, trường địa phương, các ngành khó tuyển sinh. Dư luận đã nhiều lần bày tỏ lo ngại với trường tuyển sinh mà điểm 3 môn dưới mức trung bình. Đầu vào quá thấp chắc chắn sẽ đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo đảm chất lượng đào tạo.
Một vấn đề khác khi các trường đưa ra mức điểm sàn xét tuyển thấp (điểm chuẩn kéo theo thấp) sẽ gây khó khăn cho chủ trương phân luồng sau THPT. Chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50 - 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Việc các trường đại học xét tuyển ở mức điểm quá thấp, sẽ dẫn đến nguồn tuyển của các trường cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp và tiếp theo đó là các trường trung cấp bị ảnh hưởng.
Về mặt pháp lý, các cơ sở giáo dục đại học được toàn quyền quyết định điểm sàn, căn cứ vào quy chế tuyển sinh, công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, xem xét điều kiện thực tế số nguyện vọng đăng ký vào trường, chỉ tiêu tuyển sinh và tình hình xét tuyển các năm qua. Tuy nhiên, nếu quá đặt nặng yếu tố đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh, dẫn tới việc xác định điểm sàn quá thấp, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như đã nói.
Vì thế, song song với tăng cường truyền thông, tư vấn để thí sinh hiểu đúng, tránh rơi vào “bẫy” điểm sàn, các trường cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm xã hội khi xây dựng ngưỡng bảo đảm chất lượng. Điểm sàn không chỉ gắn với số lượng nguồn tuyển mà phải gắn với chất lượng đào tạo và phát triển bền vững của nhà trường, phù hợp với định hướng sử dụng nhân lực quốc gia.