Bắt tạm giam 3 bị can sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi giả ở Thanh Hóa

GD&TĐ - Nhóm bị can (3 người) vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam, để điều tra hành vi sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi giả.

Các bị can Lê Thái Dương (đánh dấu X), Phạm Văn Thắng, Hắc Ngọc Tình cùng tang vật thu được. (Ảnh: CACC)
Các bị can Lê Thái Dương (đánh dấu X), Phạm Văn Thắng, Hắc Ngọc Tình cùng tang vật thu được. (Ảnh: CACC)

Sáng 3/4, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho hay, Cơ quan CSĐT vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với 3 bị can để điều tra, làm rõ hành vi sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi giả.

Các bị can gồm: Lê Thái Dương (32 tuổi), Phạm Văn Thắng (42 tuổi), đều ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương và Hắc Ngọc Tình (49 tuổi), trú tại xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa).

Theo kết quả điều tra của Phòng Cảnh sát kinh tế (CSKT) Công an tỉnh Thanh Hóa, Lê Thái Dương là Giám đốc - người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Kanji Feed Việt Nam chuyên sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi.

Sản phẩm do công ty này sản xuất đã được đăng ký; được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “BITCOIN FEED” và nhãn hiệu “Kanji feeds”.

Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cũng đã công bố trên Cổng thông tin về tiêu chuẩn phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật, có thành phần chất chính trong thức ăn chăn nuôi là protein thô và lysine.

Do không có điều kiện xây dựng nhà máy, ngày 1/11/2022, Lê Thái Dương đã ký hợp đồng với Công ty TNHH M&D Việt Nam, do Phạm Văn Thắng làm quản lý và điều hành hoạt động.

Theo hợp đồng đã ký, Phạm Văn Thắng nhận gia công sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi, cung cấp các loại nguyên liệu, phụ liệu trong sản xuất theo yêu của Lê Thái Dương, đồng thời thanh toán tiền theo từng đợt lấy hàng.

Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, từ tháng 1/2024, Lê Thái Dương đã chỉ đạo sản xuất “Heo 5”, “Vịt V643” theo các chỉ tiêu ghi trong lệnh sản xuất chỉ đạt độ đạm protein thô (chất chính) khoảng 8-10% không bổ sung lysine.

Cơ quan chức năng thi hành lệnh bắt tạm giam bị can trong vụ án. (Ảnh: CACC)

Cơ quan chức năng thi hành lệnh bắt tạm giam bị can trong vụ án. (Ảnh: CACC)

Sau đó, Lê Thái Dương yêu cầu Công ty TNHH M&D Việt Nam đóng vào các bao ghi mã nhãn hiệu 20-50S; KJ 686; KJ687; KJ904 và các bao ghi các mã nhãn hiệu V64S; KJ906; V32A đều có độ đạm ghi trên bao bì từ 18% đến 19%...

Cũng theo công an, từ tháng 1/2024 đến khi bị bắt, theo lệnh sản xuất của Lê Thái Dương, Công ty TNHH M&D Việt Nam đã sản xuất từ công thức “Heo 5” ra sản phẩm các mã nhãn hiệu 20-50S; KJ 686; KJ687; KJ904 và từ công thức “VIT 64S” ra sản phẩm các mã nhãn hiệu V64S; KJ906;V32A kém chất lượng. Đồng thời, đã bán cho khách hàng với tổng giá trị hàng hóa khoảng 300 triệu đồng.

Trong đó, Lê Thái Dương đã bán cho Hắc Ngọc Tình hơn 10 tấn thức ăn chăn nuôi giả. Mặc dù biết những mã nhãn hiệu trên kém chất lượng so với các chỉ tiêu thành phần chính ghi trên bao bì, nhưng vì hám lợi, Hắc Ngọc Tình vẫn mua về để bán kiếm lời.

Vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra mở rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ