Lớp học sau Tết:

'Bắt sóng' cảm xúc của trò

GD&TĐ - Nhằm duy trì sĩ số HS sau Tết Nguyên đán, các trường học đa dạng hình thức vận động, khuyến khích trò ra lớp bằng những món quà đầu năm...

Buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh Trường Tiểu học – THCS Lê Lợi đến lớp đông đủ. Ảnh: Nguyễn Dung
Buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh Trường Tiểu học – THCS Lê Lợi đến lớp đông đủ. Ảnh: Nguyễn Dung

Những món quà như phong bao mừng tuổi, “lì xì” sách, lời khen, bánh kẹo, tổ chức các trò chơi dân gian…

Đến trường là có niềm vui

Buổi học đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Trường THPT Minh Long (huyện Minh Long, Quảng Ngãi) có hơn 90% số học sinh có mặt. “Đây là con số cao so với những năm trước đây. Buổi học bình thường, gần như lớp nào cũng vắng 1 - 2 trò. Địa bàn miền núi, học sinh đi học xa, có khi giữa đường bị hỏng xe không kịp buổi học… Nên trong 2 - 3 buổi đầu, giáo viên chủ nhiệm sẽ liên lạc với phụ huynh để nắm bắt lý do các em vắng học. Nếu học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học, thầy cô sẽ đến nhà gặp phụ huynh để trao đổi thông tin, vận động các em ra lớp” – thầy Lê Ngọc Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Trước và sau Tết Nguyên đán, Trường THPT Minh Long tổ chức nhiều hoạt động thể dục – thể thao, văn nghệ… để thu hút sự tham gia của học sinh. Những trò chơi mang tính tập thể như kéo co, nhảy sạp, giải mật thư, giải bóng đá nam, nữ… được lựa chọn nhằm thu hút số đông học sinh tham gia.

Không khí vui Xuân cũng được Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) duy trì cho học sinh trong những ngày học đầu tiên sau Tết. Ngoài giờ học, học sinh cả trường tập trung lại xem đội cồng chiêng của nhà trường tập dượt để chuẩn bị cho hội thi của các trường học trên địa bàn huyện.

Đây là lần đầu tiên, Phòng GD&ĐT Nam Trà My tổ chức nội dung này. Vì vậy, học sinh rất háo hức tập luyện dưới sự hướng dẫn, kèm cặp của già làng và những người trong đội cồng chiêng của xã. Sau giờ học, các em còn tham gia nhiều sân chơi tùy theo sở thích như thi đấu bóng chuyền, bóng đá, kéo co, văn nghệ…

Thầy Lê Ngọc Đức chia sẻ, học sinh ra lớp muộn có nhiều lý do. Có em nghỉ học ở nhà vì ham chơi. Em khác có ý định nghỉ học luôn để học nghề, đi làm phụ giúp kinh tế gia đình. Trước khi nghỉ Tết, nhà trường thông báo thời gian đi học trở lại để phụ huynh phối hợp nhắc nhở các em đến trường sau kỳ nghỉ Tết.

Tuy nhiên, theo thầy Đức, giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được những học sinh nào có nguy cơ bỏ học cao, hoàn cảnh khó khăn để vận động kịp thời. “Học sinh miền núi rất thích hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi. Nếu nhà trường tạo được không khí vui tươi, không quá áp lực việc học tập trong những ngày đầu đi học sau Tết thì học sinh sẽ hứng thú đến trường”.

Giáo viên Trường Tiểu học – THCS A Xing lì xì sách cho học sinh trong Tết Nguyên đán. Ảnh: Mai Trọng

Giáo viên Trường Tiểu học – THCS A Xing lì xì sách cho học sinh trong Tết Nguyên đán. Ảnh: Mai Trọng

“Dụ” trò ra lớp bằng bánh kẹo

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, 495 học sinh của Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) bắt đầu buổi học đầu tiên vào ngày 30/1. Thầy Nguyễn Văn Vui, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trước Tết, với sự chung tay của tập thể cán bộ, giáo viên và nhà hảo tâm, nhà trường đã trao hơn 60 suất quà, gồm: Gạo, bánh kẹo, nhu yếu phẩm… cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, động viên và hỗ trợ học sinh nghèo đón một cái Tết đủ đầy và ấm no.

Tuy nhiên, người dân bản địa nơi đây không đón Tết Nguyên đán mà lễ lớn là “Mừng lúa mới” hoặc khi có vụ mùa bội thu. Do đó, thời gian nghỉ Tết đa số các em theo cha mẹ lên nương rẫy, có khi ở lại cả tuần mới về nhà. Chính vì vậy, nhiều em quên thời gian quay trở lại trường học tập.

“Nhằm duy trì sĩ số, ngày 29/1, tất cả giáo viên đã có mặt tại trường để đến thôn, làng vận động trò ra lớp. Những em theo cha mẹ lên nương rẫy, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nơi nhắc lịch quay trở lại trường. Vận động học sinh đến lớp đủ đầy sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy và học”, thầy Vui bộc bạch và thông tin: Sau buổi học đầu tiên nếu vẫn còn học sinh vắng, thầy – cô tiếp tục vào từng nhà động viên gia đình cho trẻ đến trường. Ngoài ra, tuỳ từng lớp, giáo viên sẽ có hoạt động vui chơi, giải trí hoặc tặng quà đầu năm mới nhằm khích lệ học sinh đến trường học tập.

“Mấy hôm trước, tôi đến từng nhà để nhắc nhở học sinh lịch quay trở lại trường. Thế nhưng kỳ nghỉ kéo dài sẽ không tránh khỏi tình trạng học sinh vắng vào ngày học đầu tiên. Để khích lệ các em trở lại trường, tôi động viên học trò bằng những phần quà, bánh kẹo. Không những thế, bữa cơm bán trú sẽ được triển khai nhằm giữ chân các em ở trường dài lâu và phấn khởi bắt nhịp lại với việc học tập”, thầy Tịnh tâm sự.

Cũng như mọi năm, trong buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, thầy Nguyễn Đình Tịnh (giáo viên lớp ghép 2+4, điểm trường Đăk Hway, Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Lê Lợi, huyện Kông Chro) chuẩn bị bánh kẹo mang đến lớp chia cho học trò. Tranh thủ 15 phút đầu giờ, thầy Tịnh phát bánh kẹo cho học sinh liên hoan và một phần quà nhỏ để các em đưa về nhà. Những đứa trẻ vùng cao rạng ngời thưởng thức món quà mà thầy giáo “lì xì” trong năm mới.

Thầy Tịnh bảo rằng, với nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa, bánh kẹo là món quà xa xỉ. Do đó, đều đặn hàng năm, thầy lại mua ít bánh kẹo mang đến trường tặng học sinh. Món quà đầu năm mới tuy không lớn nhưng là niềm vui, động viên để các em tiếp tục đến trường học chữ.

Phong phú hình thức “lì xì”

Buổi học đầu tiên của học sinh điểm trường Tu Gia, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam), 29 học sinh mầm non và tiểu học được nhận phong bao lì xì với trị giá 50.000 đồng/em từ nguồn vận động của cô giáo Nguyễn Thị Thu Ba. Cô Thu Ba chia sẻ: “Dù các em không ăn Tết Nguyên đán, nhưng niềm vui của con trẻ khi nhận được phong bao lì xì đầu năm thì ở đâu cũng giống nhau”. Em Bảo Tôn – học sinh lớp 2 cho biết: “Em sẽ dành tiền này để nhờ ba xuống xã mua truyện tranh và bút màu. Dép và áo ấm thì em và các bạn được tặng trước Tết rồi nên vẫn còn mới”.

Học sinh điểm trường Đăk Hway được thầy giáo Nguyễn Đình Tịnh lì xì bánh kẹo đầu năm mới. Ảnh: Nguyễn Dung

Học sinh điểm trường Đăk Hway được thầy giáo Nguyễn Đình Tịnh lì xì bánh kẹo đầu năm mới. Ảnh: Nguyễn Dung

Từ ngày mồng 4 Tết Nguyên đán, một số giáo viên Trường Tiểu học – THCS A Xing (Hướng Hóa, Quảng Trị) đã đến nhà học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ở xa trường… để lì xì sách truyện và vận động các em trở lại trường sau Tết Nguyên đán. Tùy theo lứa tuổi, thầy cô giáo sẽ lựa chọn sách tặng phù hợp như khám phá khoa học, truyện thiếu nhi, tìm hiểu thế giới động vật… Em Hồ Thị Ngoải bày tỏ niềm vui khi được cô giáo tặng sách về các trò chơi của một số dân tộc khác. Sách có cả tranh vẽ nên rất dễ hiểu”.

Từ nguồn hỗ trợ của chương trình Sách hóa nông thôn Quảng Trị, 120 học sinh được Trường Tiểu học – THCS A Xing tặng sách, thăm hỏi động viên phụ huynh trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Em Hồ Thị Linh, học sinh lớp 8A chia sẻ: “Em rất ngạc nhiên khi thầy cô đến tận nhà chúc Tết gia đình. Em còn được mừng tuổi 2 quyển sách mới tinh. Gia đình em không ăn Tết cổ truyền nên nghỉ Tết nhiều ngày rất buồn. Đọc sách có nhiều điều rất thú vị, em sẽ lên thư viện mượn thêm sách để đọc. Niềm vui này cũng là động lực giúp em học tập tốt hơn trong năm mới”.

Công tác vận động học sinh ra lớp sau Tết được Ban giám hiệu và thầy, cô giáo Trường THCS xã Pờ Ê (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đặc biệt chú trọng. Pờ Ê là xã vùng cao, đa phần học sinh là con em người dân tộc thiểu số. Do vậy, sau Tết, nhiều em mải vui chơi tại các lễ hội hoặc lên nương phụ giúp cha mẹ. Không những vậy, giữa năm 2020 xã Pờ Ê đạt chuẩn Nông thôn mới. Kể từ đó, nhiều học sinh không còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ, hay bữa cơm bán trú… Để duy trì tỷ lệ chuyên cần sau mỗi dịp Tết, nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh. Từ đó, giúp người dân thấy được tầm quan trọng của việc đến trường học tập.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Cường, chia sẻ, trước kỳ nghỉ, nhà trường đã có những phần quà để hỗ trợ cho học sinh khó khăn nhằm động viên, khích lệ các em.

“Nhà trường, các lớp đều có nhóm Zalo để trao đổi công việc cũng như nhắc nhở phụ huynh về lịch học tập của con em mình. Do đó, khi kỳ nghỉ sắp kết thúc, giáo viên chủ nhiệm đã nhắc nhở đến phụ huynh học sinh; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp đúng thời gian quy định. Nhờ vậy, những năm qua, tỷ lệ học sinh đến trường sau kỳ nghỉ hè hoặc Tết luôn cao”, thầy Cường nói.

Ngày đầu tiên quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết, Trường THCS xã Pờ Ê có 133/154 học sinh đến lớp. Nhằm giúp các em bắt nhịp lại với việc học, một số lớp tranh thủ thời gian đầu giờ tổ chức liên hoan để tạo sự hứng khởi. Đồng thời, giáo viên cũng “lì xì” cho học sinh bằng những lời khen, động viên nhằm khích lệ các em cố gắng vươn lên trong học tập.

Không những vậy, nhằm giữ chân học sinh, nhà trường đã kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ cho những em khó khăn, mất chế độ khi xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Nhờ vậy, năm học 2022 - 2023, trường có 90/154 học trò được hỗ trợ bữa cơm bán trú, giúp các em bớt khó khăn hơn trên hành trình đến trường.

“Sự quan tâm, động viên tuy không lớn nhưng đã tiếp thêm động lực để các em cố gắng vượt khó, học tập tốt. Tấm lòng của các nhà hảo tâm sẽ giúp trò nghèo, hiếu học tiếp tục theo đuổi ước mơ để phát triển kinh tế và xây dựng quê hương, đất nước”, thầy Cường nhìn nhận.

Trong hành trang của các thầy cô giáo Trường Tiểu học – THCS Ba Lế (Ba Tơ, Quảng Ngãi) khi đến thôn bản vận động học sinh trở lại trường luôn có sẵn phong bao lì xì, bánh kẹo, tập vở, truyện tranh. Tùy từng học sinh mà mình có hình thức tặng quà, vận động phù hợp để các em đi học trở lại.

Đa phần học sinh chưa đến trường sau Tết là do mải chơi, quên mốc thời gian đi học lại hoặc do chán học. Vì vậy, khi vận động học sinh trở lại trường, giáo viên phải có những quan tâm phù hợp, có thể là trò chuyện để hiểu tâm tư, kèm thêm cho các em kiến thức bị hổng… thì việc duy trì sĩ số mới bền vững. - Cô Nguyễn Thị Trang (Trường Tiểu học – THCS Ba Lế, Ba Tơ, Quảng Ngãi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ