Gian nan đón trẻ ra lớp
Trường Mầm non Thành Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) là nơi nuôi dạy và chăm sóc trẻ là con em người đồng bào dân tộc Thái chiếm tỷ lệ lên tới 99%, số ít còn lại là trẻ em dân tộc Mường.
Theo thầy Trịnh Hồng Quân – Hiệu trưởng nhà trường, công tác điều tra, huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi được trường tiến hành trước mỗi năm học. Tuy nhiên, do địa hình lắm núi nhiều đèo, hơn nữa nhiều gia đình vẫn chưa thực sự quan tâm đối với bậc học Mầm non, khiến công tác này gặp không ít khó khăn, thách thức.
“Trước mỗi năm học, nhà trường cử giáo viên chuyên trách ở các địa bàn đến từng gia đình để điều tra, huy động trẻ ra lớp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là đường xá đi lại còn khó khăn, nhiều khi cũng phải băng rừng, lội suối. Tuy nhiên, khi vào vận động thì không ít gia đình lại chưa muốn cho con, em ra lớp vì lý do: Cháu còn nhỏ để cháu lớn thêm chút nữa!”, thầy Quân nói.
Mặc dù, công tác điều tra, huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi gặp không ít khó khăn, song tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp những năm qua của nhà trường luôn đạt tỷ lệ 100% và dưới 50% đối với trẻ có độ tuổi nhà trẻ.
“Dự kiến trong năm học 2022-2023, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp của nhà trường sẽ vượt chỉ tiêu, do một số cháu chuyển từ nơi khác tới”, thầy Quân chia sẻ.
Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn, để phổ cập giáo dục mầm non (PCGDMN) vùng khó thành công, ngoài sự nỗ lực của nhà trường còn phải có sự chung tay của chính quyền địa phương, các đoàn thể. Đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên với chính quyền ở các thôn, bản để huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, cũng cần có sự quan tâm của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên trong công tác tuyên truyền, vận động trẻ ra lớp.
Thầy Trịnh Hồng Quân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa) chăm sóc trẻ tại lớp. |
Thầy Quân cũng cho biết, một trong những khó khăn của nhà trường là, hiện nay mới tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ ở điểm trường chính tại bản Báng và điểm trường Pù Luông. Hai điểm trường tại bản Eo Kén và Pà Ban dự kiến sẽ tổ chức bếp ăn bán trú vào năm học tới. Trong khi đó, khó khăn nhất là điểm trường tại bản Kho Mường, địa hình dốc cao, vực sâu khó khăn cho việc đi lại và hiện vẫn chưa thể tổ chức bếp ăn bán trú cho trẻ.
“Điểm trường tại bản Kho Mường chỉ có một lớp với hơn chục trẻ, nên rất khó để tổ chức bếp ăn bán trú. Nhà trường cũng từng dự định nấu ăn ở điểm trường chính rồi mang xuống cho các con, tuy nhiên đường xá đi lại xa xôi, thức ăn để lâu không đảm bảo, nên không triển khai”, thầy Quân nói.
Hiện, tâm nguyện lớn nhất của thầy, cô giáo nhà trường là nhận được sự quan tâm hơn từ phía phụ huynh đối với bậc học Mầm non. Ngoài ra, ở mỗi lớp học, đặc biệt là ở điểm trường lẻ sẽ được đầu tư tivi để tăng sự hứng thú, tạo môi trường học tập, phát triển toàn diện cho trẻ.
Tận dụng nguồn nguyên, vật liệu sẵn có
Đối với Trường Mầm non Điền Trung (Bá Thước, Thanh Hóa), công tác PCGDMN được nhà trường triển khai từ năm 2012 và duy trì tốt đến nay, với tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Nhà trường cũng tổ chức nấu ăn bán trú cho trẻ từ nhiều năm nay.
“So với một số trường ở vùng sâu, xa thì Trường Mầm non Điền Trung bớt khó khăn hơn khi PCGDMN, vì người dân địa phương cũng hiểu được tầm quan trọng của bậc học Mầm non.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của nhà trường là cơ sở vật chất, đồ dùng học liệu. Nhiều phòng học được xây dựng cách đây gần 20 năm, nên xuống cấp và hư hỏng. Hiện tại, trường vẫn còn thiếu 8 đến 10 phòng học, trong khi đó diện tích nhiều phòng học chật hẹp, nhưng phải bố trí cả chỗ học tập và nghỉ ngơi”, cô Nguyễn Thị Vinh – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Giờ học âm nhạc của cô và trò Trường Mầm non Điền Trung (Bá Thước, Thanh Hóa). |
Theo cô Vinh, hiện cơ sở vật chất, đồ dùng học tập mới đảm bảo ở mức tối thiểu đối với trẻ 5 tuổi, còn lại ở các độ tuổi khác vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu hoặc chưa đầy đủ về chủng loại.
“Các thầy, cô giáo đã khắc phục bằng cách tận dụng nguồn nguyên, vật liệu sẵn có tại địa phương, như: tre, luồng, đá cuội,… để làm đồ chơi cho các con. Đặc biệt, các cô cũng tạo mọi điều kiện để trẻ phát huy được tính tích cực và sáng tạo của mình.
Chẳng hạn, trong giờ học cô giáo sẽ vẽ những con vật và ký hiệu cụ thể ở từng bộ phận, chi tiết để cho các con tìm hiểu, lắp ghép những bộ phận, chi tiết lại với nhau”, cô Vinh bộc bạch.
Bên cạnh đó, Trường Mầm non Điền Trung cũng đưa không gian văn hóa truyền thống vào lớp học thông qua việc xây dựng “Góc địa phương”. Ý tưởng này vừa tạo môi trường học tập, khám phá vừa giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương cho trẻ.
Với việc chú trọng chất lượng giáo dục, Trường Mầm non Điền Trung vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2020. Trong năm học 2021-2022, Trường cũng vinh dự được Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước chọn làm trường điểm triển khai nội dung xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.