LTS: Chương trình, SGK lớp 2 và 6 gồm những nội dung gì, kế thừa bộ sách trước ra sao; đổi mới những gì; Giáo viên, cán bộ quản lý phải chuẩn bị thế nào để bắt nhịp là băn khoăn không chỉ của đội ngũ nhà giáo, hiệu trưởng mà cả phụ huynh và xã hội. Chuyên đề Bắt nhịp Chương trình, SGK lớp 2 và 6 trong số báo này sẽ cung cấp thông tin liên quan qua ghi nhận ý kiến chuyên gia, người viết sách, giáo viên, nhà trường và địa phương.
Bài học để lại
Cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình) bày tỏ: Mặc dù, chưa hết năm học đầu tiên triển khai CT, SGK mới song kinh nghiệm để tiếp tục điều hành và triển khai đổi mới CT, SGK ở năm học tiếp theo với HS lớp 2 là phải làm tốt 3 bước trong khâu chuẩn bị.
Trước hết, cơ sở vật chất được chuẩn bị đầy đủ. Bởi cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm sẽ hỗ trợ tích cực và tăng hiệu quả cho việc dạy học. Minh chứng là, khi có sự đầu tư, ưu tiên đầy đủ thiết bị dạy học từ đầu năm cho học sinh (HS) khối 1, chất lượng dạy học nói chung và đặc biệt môn Tiếng Việt nói riêng, sẽ đạt kết quả tốt. HS khối 1 dù mới sang học kỳ II nhưng đã đáp ứng được yêu cầu chung về đọc viết ở cuối năm học.
Cùng đó, công tác tập huấn giáo viên (GV) phải thực sự chú trọng và kĩ càng. Ban giám hiệu (BGH), tổ chuyên môn có thể cùng nghiên cứu và thảo luận bài giảng, giúp GV vững vàng phương pháp dạy theo yêu cầu mới. Mỗi dạng bài của môn học, đặc biệt môn chính (Toán, Tiếng Việt) có thể xây dựng một chuyên đề để GV trao đổi, rút ra kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy. Tập huấn GV tốt bao nhiêu, việc triển khai thực tế hiệu quả bấy nhiêu.
Vấn đề được cô Hợi nhấn mạnh khi bước vào triển khai CT, SGK mới ở lớp 2 là làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng đến từng phụ huynh để có sự hỗ trợ nhà trường, GV tốt hơn trong quá trình dạy học. “Hầu hết, phụ huynh có con bước vào học theo CT, SGK mới thường lo lắng và kỳ vọng. Đôi khi sự kỳ vọng quá lớn tạo ra áp lực cho GV, HS. Làm tốt công tác tư tưởng cho phụ huynh đồng nghĩa GV, HS giảm bớt áp lực…”, cô Trần Thị Hợi chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thúy - Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho biết: Năm học 2021 – 2022, bậc THCS mới bước vào triển khai CT, SGK mới ở lớp 6. Hiện, GV bắt đầu tập huấn và chọn SGK. Tuy nhiên, một số vấn đề đã được nhà trường và GV xác định. Xã hội thay đổi, những vấn đề CT, SGK cũ không còn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục nên CT, SGK mới có nhiều điểm khác, phù hợp thực tế. Tuy nhiên CT, SGK mới vẫn có tính kế thừa. Do đó, việc dạy học nói chung và ở bộ môn Văn học nói riêng cần thay đổi, linh hoạt từ phương pháp tới nội dung sao cho hiệu quả.
Qua một năm quan sát việc triển khai CT, SGK mới lớp 1, cô Nguyễn Thị Thúy cũng rút ra kinh nghiệm: GV cần được tập huấn kĩ càng để nắm chắc mục tiêu, yêu cầu CT từ đó triển khai đúng và sát. Việc quan trọng không kém là GV phải tự nghiên cứu CT, SGK bởi tập huấn không chưa đủ, còn nhiều điều từ lý thuyết áp dụng vào thực tế GV chưa thể lường hết. Việc nghiên cứu sâu sẽ giúp GV có sự so sánh và đúc rút kinh nghiệm cho riêng mình trong quá trình dạy học…
Cô Thúy cũng cho rằng: Triển khai CT, SGK mới năm học trước một số GV vì nhiều lý do chưa bắt nhịp được đổi mới, từ đó bày tỏ khó khăn, áp lực… Chính vì vậy, khi bước vào triển khai CT, SGK mới ở lớp 6 bên cạnh việc tiến hành kĩ càng khâu chọn SGK , hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn đã xác định tâm lý trước để GV chuẩn bị tâm thế.
“Sự đổi mới chắc chắn sẽ có khó khăn. GV cần chuẩn tâm thế chứ không để bị động. Quan trọng là đối diện và giải quyết khó khăn thế nào chứ không thể kêu ca, “bó tay” với nó. Khó khăn nào cũng có hướng giải quyết...”- cô Nguyễn Thị Thúy bày tỏ.
Đồng hành cùng giáo viên
Thầy Đào Chí Mạnh –Hiệu trưởng Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) khẳng định: Qua năm đầu tiên triển khai CT, SGK mới cho thấy đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) cần có sự đồng hành cùng GV trong quá trình triển khai. Có như vậy mới nắm bắt thực tế, tích lũy thêm kinh nghiệm. Từ đó điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn hiệu quả.
Từ thực tế TrườngTiểu học Kim Ngọc cho thấy, GV triển khai CTGDPT mới đối với lớp 1 khá nhẹ nhàng bởi BGH nhà trường đã giúp đội ngũ hiểu rõ bản chất của chương trình lớp 1. Do đó, GV không vội vã chạy theo mục tiêu bài học mà nhìn xa hơn về đích đến của HS sau một học kỳ, năm học.
Mặt khác, việc CBQL hiểu sâu sắc CT, SGK mới đã góp phần hỗ trợ tích cực cho GV trong dạy học. “Mặc dù, công tác tập huấn kĩ càng nhưng không phải GV nào cũng thấu đáo vấn đề. Hơn thế, lần đầu triển khai giảng dạy theo CT, SGK mới, GV càng được hỗ trợ thêm từ BGH, tổ chuyên môn càng thêm vững vàng, đúng hướng...”, thầy Mạnh nhận định.
Cô Nguyễn Thị Thúy đồng tình với vấn đề đồng hành và tháo gỡ chuyên môn cùng GV. Cô Thúy cho biết: BGH, tổ chuyên môn Trường THCS Lương Yên đã xác định mắc ở đâu gỡ ở đó cùng GV. GV gặp khó khăn dù lớn hay nhỏ có thể nêu ra trong tổ nhóm chuyên môn để cùng giải quyết. Thậm chí, những băn khoăn, phát sinh ngoài tầm hiểu biết, năng lực của GV cũng có thể nêu ra để nhà trường hỏi chuyên gia, đồng nghiệp trường khác. Không để GV bị tích tụ, bế tắc trong triển khai mới có thể giải tỏa áp lực trong dạy học.