Bát nháo xe cứu thương hoạt động 'chui'

GD&TĐ - Tình trạng bát nháo xe cứu thương ngoại viện đã liên tục diễn ra tại TPHCM suốt thời gian qua.

Nhu cầu xe cứu thương ngoại viện của người dân rất lớn nhưng số lượng xe của các bệnh viện không đáp ứng đủ.
Nhu cầu xe cứu thương ngoại viện của người dân rất lớn nhưng số lượng xe của các bệnh viện không đáp ứng đủ.

Câu chuyện người cha không còn tiền để đưa thi thể con trai trở về Cà Mau như giọt nước tràn ly, buộc những người quản lý ngành Y tế tại TPHCM phải lên tiếng, nhằm siết chặt dịch vụ vận chuyển người bệnh (xe cứu thương ngoại viện) của các công ty tư nhân.

Vét sạch túi cho xe cứu thương tư nhân để cứu con

Thanh tra Sở Y tế TPHCM đang làm rõ hoạt động xe cứu thương của Công ty TNHH vận chuyển 115 Xuyên Việt sau sự việc lấy 16 triệu đồng để chở bệnh nhi từ Cà Mau lên TPHCM điều trị.

Trước đó, ngày 4/8, tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, một em bé sinh non chỉ 23 tuần tuổi, cân nặng 600 gam bị suy hô hấp. Sau sinh, bé tím tái, tim rời rạc, tiên lượng khó cứu sống và tử vong nếu chuyển viện.

Thương con, gia đình liên hệ xe cứu thương ngoại viện của Công ty TNHH vận chuyển 115 Xuyên Việt từ TPHCM về Cà Mau để đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi đồng 1 vào ngày 5/8. Giá của chuyến xe cứu thương này cao gấp đôi so với giá chuyển viện thông thường (khoảng 6 – 8 triệu đồng, từ Cà Mau – TPHCM).

3 ngày sau khi nhập viện điều trị tại TPHCM, ngày 8/8, em bé tử vong. Gia đình bệnh nhi kiệt quệ về tài chính, đến mức không đủ kinh phí để trở về Cà Mau, dự định phải để thi thể con vào thùng xốp. May mắn, Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ xe cứu thương để gia đình về quê.

Sau khi sự việc xảy ra, qua rà soát, Sở Y tế TPHCM cho biết Công ty TNHH vận chuyển 115 Xuyên Việt chưa thực hiện kê khai giá thu theo quy định với Sở Y tế. Sở Y tế đã yêu cầu Thanh tra Sở kiểm tra hoạt động, giá thu của Công ty TNHH vận chuyển 115 Xuyên Việt và xử lý đúng theo quy định nếu công ty có sai phạm.

Tình trạng bát nháo xe cứu thương ngoại viện đã liên tục diễn ra tại TPHCM suốt thời gian qua. Xe cứu thương hoạt động “chui” sẵn sàng thu tiền, bất chấp chưa được cấp phép hoạt động.

Tháng 5/2023, Công ty TNHH Vận chuyển cấp cứu 115 Huỳnh Quốc (trụ sở tại Quận 8, TPHCM) bị Thanh tra Sở Y tế phạt 160 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 18 tháng, buộc tháo dỡ, xóa quảng cáo vì hoạt động không có giấy phép.

Xe cứu thương này từng thu của một bệnh nhân 3,5 triệu đồng cho quãng đường khoảng 4 km từ Phường 10, quận Tân Bình đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

TS.BS Trần Văn Sóng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) nhận định: Các đối tượng “cò” dịch vụ xe cấp cứu, vận chuyển, hoạt động ngày càng phức tạp, với những phương thức thủ đoạn manh động, nguy hiểm.

Tại một số bệnh viện, “cò” xe cứu thương đóng vai thân nhân bệnh nhân để đến các khoa phát tờ rơi, dụ bệnh nhân đi xe cứu thương “chui”; cấu kết với một vài nhân viên trong bệnh viện để lấy thông tin số điện thoại, thông tin bệnh nhân có chỉ định xuất viện để mời gọi qua điện thoại. Các đối tượng đậu xe ô tô trước cổng hoặc vào khuôn viên bệnh viện dưới danh nghĩa xe nhà, xe từ thiện để lôi kéo người bệnh lên xe.

Thậm chí, một số trường hợp giả dạng là bộ phận điều hành xe của bệnh viện để lừa người bệnh đi xe cứu thương “chui”. Khi xe chạy ra khỏi bệnh viện được một đoạn đường ngắn thì đổi qua xe khác hoặc đòi thêm tiền thì mới chịu đưa bệnh nhân về đến nhà.

Trước sự hoạt động táo tợn của các xe cứu thương ngoại viện, Bệnh viện Chợ Rẫy ban hành giá phù hợp, tương đương hoặc thấp hơn giá xe cứu thương tư nhân. Ngoài ra, bệnh viện lập bộ phận đăng ký và điều xe độc lập với tổ công xa của bệnh viện nhằm đảm bảo việc điều xe là vô tư, khách quan.

Trường hợp bệnh nhân, thân nhân tự nguyện đi xe cứu thương ngoài bệnh viện, bộ phận đăng ký sẽ cấp phiếu để xe cứu thương bên ngoài vào bệnh viện đón bệnh nhân.

TS.BS Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, vì “siết” xe cứu thương “chui” nên xuất hiện nhiều lời đe dọa và bôi nhọ uy tín bệnh viện.

Vận chuyển người bệnh lên xe cứu thương của đội cấp cứu ngoại viện, Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM.

Vận chuyển người bệnh lên xe cứu thương của đội cấp cứu ngoại viện, Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM.

Xe dịch vụ chỉ nên chở người bệnh không trong tình trạng cấp cứu

Theo một số bệnh viện, việc đầu tư xe cấp cứu cần khoản kinh phí lớn, nhưng hiện nay Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể về số lượng xe cấp cứu cũng như chi phí vận chuyển cấp cứu người bệnh, hay chở thi thể người bệnh. Nhu cầu chuyển bệnh cao, nhưng số lượng xe cứu thương của bệnh viện không đủ đáp ứng đã tạo điều kiện cho lực lượng xe cứu thương “chui” hoành hành.

Để quản lý dịch vụ vận chuyển người bệnh, mới đây, Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc cấp phép hành nghề, hậu kiểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính đối với các cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trên địa bàn.

Sở Y tế TPHCM cũng đã kiến nghị Bộ Y tế ban hành thống nhất giá dịch vụ kỹ thuật có liên quan đến cấp cứu ngoại viện để căn cứ thu giá khi vận chuyển người bệnh. TS.BS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: Rất cần bổ sung các quy định về dịch vụ vận chuyển cấp cứu người bệnh.

Bộ Y tế cần thống nhất giá dịch vụ kỹ thuật có liên quan đến cấp cứu ngoại viện (gồm mức thanh toán bảo hiểm y tế, không bảo hiểm y tế và theo yêu cầu) để các đơn vị cung cấp dịch vụ cấp cứu có căn cứ thu và tổ chức thu theo quy định. Sở Y tế cũng sẽ kiến nghị thành lập hội đồng thẩm định các trường hợp kê khai giá cao bất thường và hội đồng này sẽ xem xét, đề xuất, báo cáo UBND thành phố.

Ngoài ra, theo TS.BS Tăng Chí Thượng, việc phân biệt 2 loại hình xe vận chuyển người bệnh như ở các nước tiên tiến cần sớm được vận dụng và triển khai tại Việt Nam.

Theo đó, các dịch vụ tư nhân có lẽ phù hợp hơn khi tham gia loại hình vận chuyển người bệnh (không cấp cứu), còn hệ thống các cơ sở cấp cứu công lập (Trung tâm Cấp cứu 115) và các bệnh viện (công lập và tư nhân) được phép vận chuyển người bệnh cấp cứu.

Tương ứng với 2 loại hình này là các yêu cầu về xe và nhân viên theo xe hoàn toàn khác nhau. Theo đó, nếu là loại hình vận chuyển người bệnh (không cấp cứu) thì xe không được trang bị còi hụ, không được gắn đèn cấp cứu, dụng cụ theo xe rất đơn giản và nhân viên theo xe không cần phải là bác sĩ, chi phí vận chuyển sẽ thấp hơn.

Ngược lại, nếu là loại hình vận chuyển người bệnh cấp cứu thì xe được trang bị còi hụ, được gắn đèn cấp cứu, theo xe phải đầy đủ các dụng cụ cấp cứu từ đơn giản đến chuyên sâu và nhân viên theo xe phải là bác sĩ hoặc chuyên viên cấp cứu chuyên nghiệp, chi phí vận chuyển chắc chắn sẽ cao hơn.

TPHCM chỉ cấp phép hoạt động cho 9 cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh. Ngoài ra, có nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ chuyển bệnh với giá 0 đồng cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn như đội “xe cứu thương từ thiện 0 đồng” ở tỉnh Vĩnh Long; đội “cứu thương tình nguyện 0 đồng” ở Tây Ninh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ