Bát nháo chợ nổi Cái Răng

GD&TĐ - “Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng/Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn /Em treo bẹo Cái Răng Ba Láng/Ta thương hồ Vàm Xáng Cần Thơ”. Những vần thơ của Huỳnh Kim vừa gợi hình vừa tràn đầy cảm xúc, khiến bao du khách khi ghé Cần Thơ không khỏi mong ngóng được tận mắt nhìn thấy chợ nổi Cái Răng.

Ghe nhỏ đeo bám ghe lớn của du khách để bán hàng.
Ghe nhỏ đeo bám ghe lớn của du khách để bán hàng.

Chưa ra chợ đã gặp… “cò”

Đến Cần Thơ nhất định phải đi chợ nổi Cái Răng để thử cảm giác thưởng thức ly cafe vào sáng sớm, giữa sông nước chòng chành. Nghe đồn vậy, nên chúng tôi canh chừng 5 giờ sáng đã dép lê, quần áo gọn gàng (vì thể nào cũng ngồi ghe, thuyền…) sẵn sàng đi chợ nổi.

Những vị khách ở cùng khách sạn với chúng tôi muốn đi xem chợ nổi Cái Răng đều dậy rõ sớm. Ai cũng muốn nhanh chóng gọi được taxi để kịp tới chợ vì nghe nhân viên khách sạn bảo rằng chợ đông nhất lúc 6 - 7 giờ, đến 8 - 9 giờ là đã vắng khách.

Hướng dẫn khách lịch trình thăm quan chợ nổi ở bến chợ An Bình (ảnh Thanh Tuấn)

Từ quốc lộ, có thể gặp những người mời chào đưa khách đi chợ nổi Cái Răng. Rút kinh nghiệm nhiều lần thăm quan những điểm đến nổi tiếng, chúng tôi nhờ lễ tân khách sạn gọi giúp taxi.

Trời tờ mờ sáng, chiếc taxi chở chúng tôi lao nhanh khi đường phố còn vắng teo. Kinh nghiệm từ một đồng nghiệp là đi chợ nổi chớ có nghe theo “cò” ngoài đường chỉ dẫn, cứ đến chợ An Bình có bến thuyền của công ty được phép đưa du khách đi chơi.

Nói rõ với người tài xế cho đến chợ An Bình để đi chợ nổi, nhưng loáng một cái chiếc taxi đã lao vụt qua tấm biển đề “chợ An Bình”. “Đi qua rồi em, quay lại đi” - Tôi nói với người tài xế, nhưng anh ta vẫn tiếp tục cho xe chạy. “Chưa tới đâu, sắp tới rồi. Đi chợ nổi chứ gì…” - người lái taxi nhát gừng.

Bảo vệ kiêm lái ghe máy chở khách đi thăm quan chợ nổi
  • Bảo vệ kiêm lái ghe máy chở khách đi thăm quan chợ nổi

Trời thì tối, đường lạ và vắng. Chúng tôi đành ngồi im vì nghĩ taxi do khách sạn gọi… Không lâu sau, chiếc xe dừng trước một căn nhà sáng đèn giữa dãy nhà tối om đang chìm trong giấc ngủ. “Tới nơi rồi, vào trong ăn uống gì cũng có. Đi chợ nổi có người đưa đi…” - người lái taxi chỉ vào trong nhà giống một quán bình dân. Tôi thắc mắc: “Tôi gọi taxi đến chợ An Bình mà, sao lại đưa đến đây? Đây đâu phải là chợ?”. Nhưng lái xe lạnh tanh: “Thì chẳng phải yêu cầu đi chợ nổi còn gì. Đến đây người ta đưa đi chợ nổi…”. Thấy chúng tôi kiên quyết yêu cầu quay lại đúng nơi cần đến, cằn nhằn một lúc người tài xế mới chịu đưa chúng tôi quay lại chợ An Bình.

Trong bến thuyền của chợ An Bình, khách du lịch tấp nập vào, ra. Nhìn cung cách bán vé, phát áo phao cho khách thì có phần chuyên nghiệp. “150.000 đồng/tàu (ghe máy) chở 12 người, đi ghép đoàn 50.000 đồng/người…” - tấm bảng đề rõ ràng giá cả. Một phụ nữ ngồi bán vé đi ghe thăm quan chợ nổi giải thích với khách chưa dùng dịch vụ này bao giờ: “Một người đi riêng một ghe cũng 150.000 đồng, mỗi một vòng 45 phút, đi thêm 30 phút 50.000 đồng...”.

Đặc sản của chợ nổi là trái cây hay là những màn “đeo bám” khách
  • Đặc sản của chợ nổi là trái cây hay là những màn “đeo bám” khách

Không còn như xưa…

Trời đã sáng hơn, chúng tôi muốn nhanh chóng ra chợ nổi, nên không chờ ghe ghép đủ 12 khách. Nhưng anh Nghĩa - một bảo vệ của công ty phụ trách bến thuyền kiêm người lái ghe máy chở khách đi thăm quan chần chừ: “Đi bây giờ chưa có gì xem đâu, người ta còn ngủ chưa bán gì ở chợ nổi, đợi đến 7 giờ đi mới có cái mà xem”. Tuy vậy chúng tôi vẫn muốn ra chợ nổi sớm, vì nghe nói càng muộn người kinh doanh ở chợ nổi chỉ bán cho du khách, còn họ bán sỉ (buôn) từ tờ mờ sáng.

Trước tình trạng cò mồi, chèo kéo khách ở quanh khu vực chợ nổi Cái Răng thuộc quận Cái Răng (thành phố Cần Thơ), chúng tôi đã liên hệ với đường dây nóng của Sở VH-TT&DL Cần Thơ (0888177666). Người trực hotline sau khi “xin ý kiến lãnh đạo” đã cho biết: Sở VH-TT&DL Cần Thơ ghi nhận thông tin trên và sẽ phản ánh lại với Sở Giao thông Vận tải Cần Thơ để liên ngành cùng xem xét, giải quyết; Đồng thời cung cấp số điện thoại của của Phó Giám đốc Sở Gao thông Vận tải thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi đã không liên lạc được với vị Phó Giám đốc Sở này để hỏi thông tin chi tiết về tình trạng cò mồi và biện pháp xử lý. 

Trời chưa sáng rõ, tiếng động cơ nổ giòn giữa sông nước đặc quánh một màu. Nhìn thấy trên bờ có nhà dân sáng tấm biển ghi nguệch ngoạc “Dịch vụ đưa khách đi thăm quan chợ nổi”, chúng tôi hỏi anh Nghĩa cho thêm rõ mọi nhẽ. “Người dân có ghe họ vẫn tự chạy đưa khách đi chợ nổi, còn mấy người không có ghe thì làm cò “bắt khách”. Đó là mấy điểm tự mở ra đưa khách đi thăm quan, chứ không được phép. Đi chợ nổi chỉ có bến chính thức tại chợ An Bình” - anh Nghĩa giải thích. Cơ quan chức năng chưa quản lý được hết những điểm cò khách, tự bắt khách đi chợ nổi Cái Răng.

“Mấy người đó họ chạy lậu thôi, chứ đâu có đăng ký. Họ đậu ghe trong mấy con rạch để chờ cò bắt khách. Khách theo cò, đi mấy cái ghe lậu đó, áo phao ghe cũng đầy đủ vì dễ mua, nhưng lỡ có chuyện gì xảy ra thì đâu có ai chịu trách nhiệm”, anh Nghĩa nói thêm.

Du khách nước ngoài liên tục chụp ảnh cảnh sinh sống trên nhà tạm hai bên bờ sông
  • Du khách nước ngoài liên tục chụp ảnh cảnh sinh sống trên nhà tạm hai bên bờ sông

Sống cách chợ nổi Cái Răng chỉ khoảng 3km, lại làm việc cho bến thuyền đưa khách thăm quan, anh Nghĩa biết rất rõ khu vực này. Khi thấy chúng tôi ngơ ngác tìm cảnh chợ nổi đẹp như trong ảnh quảng bá du lịch, mỏi mắt tìm chiếc ghe be bé, anh Nghĩa cười: “Trên ảnh như vậy thôi. Khi chụp ảnh họ cho ghe bé chở trái cây quây lại cho đẹp, còn bây giờ người bán trên chợ nổi toàn chạy ghe máy không à. Trước đây hai mươi mấy năm, chợ nổi là nơi người dân vùng này tập trung buôn bán, vì đường sông là con đường buôn bán chủ yếu.

Bây giờ cơ sở hạ tầng, đường sá phát triển, phương tiện vận chuyển trái cây bằng đường bộ cũng thuận lợi, nên nhiều người trước buôn bán trên sông nước chuyển lên buôn bán bằng đường bộ. Chợ nổi vì thế cũng vắng hẳn, chỉ còn lại những người vẫn giữ nghề buôn bán trên sông nước và phục vụ khách du lịch”.

Vừa “ăn” lương bảo vệ cho bến thuyền chợ An Bình, vừa làm người lái ghe máy đưa khách đi thăm quan chợ nổi, mỗi một chuyến đi một vòng chợ nổi trong 30 - 45 phút những người như anh Nghĩa được trả thêm công bằng 10% giá vé. Chăm chỉ và đông khách thì công xá cũng khiến anh bằng lòng, thành thử anh vui vẻ trò chuyện và cùng chúng tôi thử một ly cafe đen đá đúng kiểu chợ nổi, giá 10.000 đồng. Nhưng nhìn cung cách pha chế, nhìn thùng nước để rửa cốc chén… chúng tôi cũng chỉ nhấp môi chứ không dám uống hết.

Hình ảnh chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) đẹp lung linh trên một website du lịch
  • Hình ảnh chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) đẹp lung linh trên một website du lịch

“Đặc sản” chèo kéo khách?

Hơn 7 giờ sáng, ghe máy chở du khách thăm quan chợ nổi chạy nhộn nhịp mặt sông (đoạn tập trung nhiều thuyền gỗ lớn và ghe bán trái cây). Quả như một đồng nghiệp có kinh nghiệm đi chợ nổi trước đó nói: “Lúc trời sáng rõ, chợ nhộn nhịp là lúc toàn du khách ngắm du khách”.

Nói đặc sản của chợ nổi là trái cây cũng đúng. Thuyền lớn, ghe nhỏ đều treo bẹo bán trái cây. Những người bán hàng nhỏ lẻ lúc này liên tục dùng ghe nhỏ chạy áp sát bất cứ ghe máy nào chở du khách để chèo kéo khách mua trái cây. “Mua cho em chôm chôm đi, chỉ ba ký một trăm (3kg/100.000 đồng). Hay mua cam ba ký một trăm” - chị bán trái cây kỳ kèo.

“Ba ký chôm chôm một trăm”- Chị bán trái cây dạo trên chợ nổi bám chặt vào ghe chở du khách để mời chào

Sát một góc bờ, trên một “nhà nổi” (thuyền lớn) hàng treo biển “Bún riêu” tấp nập ghe chở khách du lịch ghé vào. Thoáng qua một “nhà nổi” khác lại mở loa bập bùng bản đờn “gọi khách” cho dịch vụ “đờn ca tài tử”. Nhưng cũng toàn cảnh bán hàng và dịch vụ lèo tèo, được chăng hay chớ.

Loáng cái 45 phút đã hết. Chúng tôi nói anh Nghĩa cho đi thêm 30 phút nữa, nhưng cũng chẳng thấy gì đặc sắc hơn. Cái hút máy ảnh của chúng tôi hơn cả là những chiếc thuyền gỗ, vừa là nơi sinh sống, vừa là chỗ buôn bán của người dân. Mỗi chiếc thuyền gỗ để một gia đình ở được cũng có giá trên 100 triệu đồng; Còn để làm được tấm nhà để ở bên trên cũng có giá trên 200 triệu đồng.

Ngại ngần khi bắt gặp những ánh mắt không vui của mấy du khách nước ngoài trên chiếc ghe chạy kế bên. Họ như thể phiền lòng vì bị đeo bám mời mua trái cây. Nhưng chiếc máy ảnh được đưa lên chụp, không phải cảnh tấp nập vui tươi trên bến dưới thuyền, mà là cảnh sinh hoạt tạm bợ, nghèo nàn trên những chiếc thuyền gỗ, hay những nhà gỗ, lợp hoặc che chắn bằng những tấm tôn, cũng có “ban công” treo mấy giỏ hoa, cây cảnh điệu đà…

Anh Nghĩa cho biết hơn 20 năm trước chợ nổi đông người buôn bán hơn nhiều

Liệu những lời thơ của tác giả Huỳnh Kim có còn đẹp như thế, nếu không chỉn chu lại được các hoạt động “ăn theo”, những hình ảnh “đượm mắt” ở chợ nổi Cái Răng - “biểu tượng” du lịch của Cần Thơ (của cả một vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long): “Ghe thương hồ ta không vẽ mắt/ Tới đây cắm sào ta ngủ qua đêm/Cây trái rộn ràng từ vườn nhà em/Gọi ta dậy từ nửa đêm về sáng /Cắm cây sào tre bẹo hình bẹo dạng /Xôn xao xuồng ghe họp chợ chòng chành/Có những chàng trai cô gái thị thành/Làm khách giang hồ đi chơi chợ nổi /Cặp mạn thương hồ tự dưng bối rối /Mua trái sầu riêng mà lòng sầu chung”.

Trời sáng rõ, chợ nổi toàn sắc cam của ao phao du khách, khách ngắm khách
  • Trời sáng rõ, chợ nổi toàn sắc cam của ao phao du khách, khách ngắm khách

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ