Bất ngờ từ dự án nghệ thuật bị từ chối

GD&TĐ -Một triển lãm kiến trúc độc đáo, đang thu hút đông đảo giới nghệ thuật đến không gian Manzi để ngắm nhìn dự án nghệ thuật bị từ chối.

24 mô hình kiến trúc bị chối từ được trưng bày trong triển lãm.
24 mô hình kiến trúc bị chối từ được trưng bày trong triển lãm.

Triển lãm “Kẻ lữ hành kỳ dị hay là câu chuyện về những dự án bị từ chối” của kiến trúc sư Nguyễn Hà gồm 24 mô hình, đồ án thiết kế, công trình bị hủy bỏ bởi những lý do khác nhau - đang tạo ra những bất ngờ và thu hút sự chú ý của đông đảo giới kiến trúc.

Bị từ chối vì… quá đẹp!

Tại không gian Manzi Exhibition Space (Hàng Bún - Hà Nội), từng nhóm công chúng trẻ yêu nghệ thuật kiến trúc đang tìm đến xem những tác phẩm từng bị khách hàng, chủ đầu tư từ chối. Và người ta gọi đó là những dự án thất bại.

Triển lãm bao gồm 24 mô hình là những đồ án đã dựng lên hoàn chỉnh nhưng bị bỏ ngỏ, những ý tưởng vừa mới thành hình đã bị dập tắt. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực, nghệ thuật, đây là triển lãm của những thử nghiệm thuần túy, không bị tác động bởi vấn đề “cơm áo gạo tiền” mà mang đậm sự sáng tạo, gu thẩm mỹ đặc biệt của kiến trúc sư.

Thất bại, nhưng thực tế các thiết kế được giới thiệu trong triển lãm lại khiến những nghệ sĩ và kiến trúc sư, người yêu cái đẹp phải trầm trồ trước sự bay bổng, ý tưởng tiên phong, vượt khỏi những tư duy kiến trúc thông thường.

Kiến trúc sư Nguyễn Hà cho biết, Manzi Art Space đã đề xuất ý tưởng độc lạ này với chị và tiến hành tổ chức triển lãm.

Nhà tổ chức cho rằng, đây là cuộc đổ bộ lạ lùng của kiến trúc. Vì không được thi công nên 24 thiết kế này là 24 ý tưởng nguyên bản. Cũng là 24 thử nghiệm thuần túy, hoàn toàn là những ý tưởng sáng tạo tự do của kiến trúc sư, chưa hề và không bị tác động bởi những yêu cầu sửa đổi từ chủ thể nào khác.

Bởi thế, khi đến với triển lãm, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã phải trầm trồ khen đẹp. Những tác phẩm cũng nói hết mối liên hệ giữa việc thực hành kiến trúc với thực hành nghệ thuật, giữa sự sáng tạo của kiến trúc sư và nghệ sĩ.

Triết gia Pháp là Paul Valéry từng nói: “Phàm là thứ gì mà được chấp nhận bởi số đông, được đón nhận ở hầu khắp mọi chốn, thì gần như chắc chắn chỉ là đồ dỏm…”. Có thể xuất phát từ băn khoăn có chút ngẫu nhiên này, mà Nguyễn Hà đã tổ chức “Kẻ lữ hành kỳ dị hay là câu chuyện về những dự án bị từ chối”.

Điều không ngờ với chính nghệ sĩ và nhà tổ chức, “những dự án bị từ chối” lại được sự đón nhận nhiệt tình từ giới mộ điệu. Ở triển lãm này, người xem được khám phá vô vàn lý do, đôi khi cười ra nước mắt - của chủ đầu tư khi từ chối một mẫu thiết kế của kiến trúc sư.

Ví dụ, mẫu thiết kế nhà trọ cho công nhân bị chủ đầu tư từ chối vì nó quá đẹp. Và bởi nó là nhà trọ nên không cần phải đẹp đến thế, nên chủ đầu tư không đồng ý. Hoặc ý tưởng thiết kế UBND huyện vì có vẻ quá lạ chưa thấy ở đâu và chưa đâu có, nên cũng bị… từ chối.

Nhiều ý tưởng kiến trúc bị từ chối chỉ vì… quá đẹp.

Nhiều ý tưởng kiến trúc bị từ chối chỉ vì… quá đẹp.

Dám bày ra cả những thất bại

Kiến trúc sư Nguyễn Hà sinh năm 1980 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp Khoa Kiến trúc - Đại học Xây dựng, và sau đó nhận học bổng toàn phần của Chính phủ Thụy Sĩ - theo học cao học kiến trúc tại Học viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ tại Zurich. Sau thời gian làm việc tại Thụy Sĩ, năm 2010 chị về nước, mở văn phòng thực hành cùng 2 kiến trúc sư người Thụy Sĩ là Laurent Cantalou và Kurt Aellen.

Gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, Nguyễn Hà cho biết, đây chỉ là một trong số ít những mô hình dang dở trong suốt hành trình làm nghề. Đã có rất nhiều bản vẽ, mô hình và ý tưởng sau khi đưa ra thuyết trình lại thỏa hiệp bất thành. Tuy nhiên, chị cho rằng, đây là điều bình thường. Chỉ khác là chị lưu lại, và dám mang chúng ra trưng bày.

“Tôi không nghĩ đây là hành động “cà khịa” chủ đầu tư hay bất cứ khách hàng nào đã từ chối dự án. Tôi chỉ muốn truyền tải một thông điệp rằng, tất cả những thứ mọi người làm, mọi người sáng tạo bằng cả tâm huyết đều đáng được trân trọng, không có gì đáng bỏ đi”, kiến trúc sư Nguyễn Hà nói.

Theo chị Hà, không ai muốn trưng bày sự thất bại của mình, vì có thể sẽ nhận về hiệu ứng ngược. Tuy nhiên, sự thất bại có khi không đến từ kiến trúc sư, cũng không đến từ khách hàng – mà đến từ những ý tưởng không “hợp nhau”.

Trong 24 mô hình trong triển lãm là 24 ý tưởng kiến trúc thất bại. Trong 24 mô hình đó, cũng là 24 đề bài từ khách hàng, để rồi cho ra kết quả là 24 đáp án. Mỗi đáp án là một ý tưởng nghệ thuật độc đáo.

Tuy nhiên, có thể khách hàng không cần đến phương án nghệ thuật nên họ từ chối. Bị từ chối nên mặc nhiên, thiết kế trở nên thất bại. Tuy là thất bại, nhưng không phải vì xấu, mà có thể vì đẹp quá so với tưởng tượng.

Kiến trúc sư Hồ Mộng Long - người cũng từng thử sức với nhiều dự án táo bạo dành lời khen ngợi cho đồng nghiệp của mình. Anh cũng cho rằng, triển lãm mang đến nhiều sự sáng tạo, thú vị và có thể nhìn nhận được cách làm việc nghiêm túc, tỉ mỉ đến từ người làm nghề tâm huyết.

Trưng bày những dự án kiến trúc bị chối từ của Nguyễn Hà, được xem là triển lãm nghệ thuật đầu tiên trong lĩnh vực kiến trúc “thất bại”. Việc tổ chức này không nhằm “vạch áo cho người xem lưng”, cũng không hề mang tiếng oán trách những khách hàng đã từ chối ý tưởng.

Đơn giản, kiến trúc sư muốn gửi gắm qua những mô hình bị từ chối về thông điệp sáng tạo, về những góc nhìn đối với nghệ thuật kiến trúc.

Đẹp – chưa chắc đã đạt hiệu quả trong thực tiễn, và điều cơ bản với kiến trúc sư, đó là cứ hãy sáng tạo. Vì mọi sáng tạo đều rất đáng trân trọng, dù có thất bại thì sự sáng tạo ấy sẽ luôn tỏa sáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ