Họa sĩ Ngô Thanh Hùng, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng - chủ nhân triển lãm “Nghiệp” đang khiến giới nghệ thuật và những người yêu tranh không khỏi tò mò về những chú trâu được anh “dắt” vào bảo tàng.
10 năm “nuôi” trâu
Từ câu tục ngữ “con trâu là đầu cơ nghiệp”, họa sĩ Ngô Thanh Hùng đã cô đặc ý nghĩa gói gọn trong từ “nghiệp” để thể hiện trong triển lãm cùng tên cá nhân của mình. 30 tác phẩm hội họa bằng chất liệu sơn dầu và acrylic về hình tượng con trâu Việt Nam đã làm công chúng vô cùng thích thú.
Khai mạc vào tối 21/1, bản thân họa sĩ Thanh Hùng cũng không thể ngờ rằng triển lãm lại thu hút công chúng đến như vậy. Những bức họa về trâu treo trang trọng trong bảo tàng đem đến cho người xem một cảm giác rất thực và rất trong.
30 họa phẩm trâu được Thanh Hùng “nuôi dưỡng” trong suốt 10 năm qua. Bền bỉ đến như vậy, chắc phải có một lý do sâu sắc nào đó khiến nghệ sĩ bám đuổi? Và anh nói rằng, trâu là một hình ảnh thân quen gắn bó từ bao đời nay với người nông dân Việt Nam, là biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước của khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trách nhiệm của một hoạ sĩ, cũng như một người thầy đứng trên bục giảng là truyền bá tri thức cũng như nền văn hoá truyền thống cho cộng đồng và học sinh của mình. Một vai gánh hai trách nhiệm, xem ra là nặng nề, nhưng qua triển lãm “Nghiệp” người ta thấy Thanh Hùng đã tròn vai cả người thầy và nghệ sĩ.
Chủ đề “Nghiệp” không mang tính chất và ý nghĩa nặng nề mà chính là hình ảnh con trâu trong văn hóa dân gian Việt Nam: “Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy, ai mà quản công/Bao giờ cây lúa còn bông/Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
Con trâu là con giáp đứng thứ 2 trong 12 con giáp, là con vật hiền lành, chăm chỉ, có sức khỏe. Theo quan niệm dân gian, trâu là loài vật có sức mạnh dẻo dai giúp đỡ con người những công việc nặng nhọc trong lao động sản xuất nông nghiệp như cày bừa, kéo lúa, kéo gỗ…
“Thông qua triển lãm này, tôi muốn nói lên một nét đẹp văn hóa dân gian của người Việt gắn với hình tượng con trâu cần được duy trì, bảo tồn và phát triển trong tương lai, đồng thời có thể giảm đi một số nghi lễ mang tính bạo lực, phản cảm, không còn phù hợp”, họa sĩ Thanh Hùng chia sẻ.
“Dắt trâu” đi khắp thế giới
30 họa phẩm vẽ về hình tượng con trâu trong văn hóa người Việt được pha quyện màu sắc tươi mới, kỹ thuật vẽ độc lạ khiến các tác phẩm trở nên sống động, nhịp nhàng. Những con trâu mang ánh mắt người, tâm tư người và cả suy nghĩ của con người… khiến người xem như phải đối diện với chính mình.
“Con trâu là đầu cơ nghiệp”, chứ con trâu không phải là con vật để con người bóc lột sức lao động. Con trâu là tài sản chứ không phải là thứ đấu chọi, giết chóc và trở thành thú vui không phù hợp.
Các tác phẩm tranh vẽ về đề tài chọi trâu - một trong những lễ hội lớn của vùng đồng bằng Bắc Bộ như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang – làm cho người xem có cảm giác rùng mình. Nghệ sĩ trực tiếp lên án các lễ hội không còn phù hợp này, kêu gọi sự bình yên và hiền lành vốn có của loài trâu.
Loạt tác phẩm này thể hiện những hình ảnh mạnh mẽ của sự đối kháng, sự va đập dữ dội của cuộc đối đầu của những con trâu trong các trận đấu với những cặp sừng sắc nhọn cong vút, linh hoạt, con mắt rực lửa, khối cơ bắp cuồn cuộn, biểu hiện một nguồn năng lượng mạnh mẽ thoát ra từ bên trong.
Công chúng yêu hội họa Đà Nẵng từng biết đến Ngô Thanh Hùng trong triển lãm nhóm với các hoạ sĩ trẻ năm 2014. Đó cũng là dấu mốc lần đầu tiên mỹ thuật Đà Nẵng định hình một thế hệ mới, bao gồm những họa sĩ trẻ đang thể hiện sự trải nghiệm, tìm tòi và khám phá hướng đi sáng tạo cho riêng mình.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng – họa sĩ Hồ Đình Nam Kha từng nhận xét về Thanh Hùng là nghệ sĩ trẻ ấn tượng, bởi phong cách phóng khoáng, đa dạng về bút pháp, mới lạ về chất liệu.
Ngoài thời gian đứng trên giảng đường, Thanh Hùng dành khá nhiều thời gian cho công việc sáng tác và được nhiều đàn anh mến mộ tặng cho biệt danh “Hùng Trâu”, do có nhiều tác phẩm vẽ về con vật này. Trâu của Ngô Thanh Hùng phóng khoáng, sinh động, và đây không phải lần đầu tiên anh “dắt” trâu đi triển lãm mà nhiều tác phẩm về trâu từng được anh tham gia trưng bày ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới.
Bà Nguyễn Thị Trinh - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Đà Nẵng cho biết, triển lãm “Nghiệp” tạo không khí vui tươi phấn khởi cho người dân, du khách trước thềm đón năm mới Tân Sửu 2021. Đây còn là dịp để người dân, du khách tìm hiểu rõ hơn về con trâu trong văn hóa của người Việt.
Năm 2020, một năm đầy thách thức, đặc biệt với vùng Đà Nẵng khiến không khí nghệ thuật trở nên ảm đạm. Khát vọng năm mới tươi sáng hơn nên triển lãm “Nghiệp” mà họa sĩ Ngô Thanh Hùng gửi gắm còn mang ý nghĩa cầu mong cho năm mới mưa thuận gió hòa, ấm no hạnh phúc, con người khỏe mạnh.