Bất ngờ thời điểm trẻ phát triển ngôn ngữ

GD&TĐ - Trong quá khứ, các nhà khoa học cho rằng, trẻ sơ sinh chỉ có thể nằm một cách thụ động và khóc.

Trẻ sơ sinh có thể học ngôn ngữ từ khi trong bụng mẹ.
Trẻ sơ sinh có thể học ngôn ngữ từ khi trong bụng mẹ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Nature Human Behavior đã xác định, trẻ sơ sinh bắt đầu hòa mình vào những điều cụ thể của thế giới xung quanh trong vòng vài giờ, bao gồm cả ngôn ngữ mà chúng sẽ nói.

Trẻ sơ sinh bắt đầu học ngôn ngữ bằng cách nghe giọng nói ngay cả khi còn trong bụng mẹ. Song, khi đó, trẻ không thể nghe thấy chi tiết vì như thể đang ở dưới nước.

Nghiên cứu có sự tham gia của Gary Oppenheim và Guillaume Thierry thuộc Trường Khoa học Hành vi và Con người của Trường Đại học Bangor (Anh). Các nhà khoa học đã quan sát trẻ sơ sinh bằng cách sử dụng kết hợp các nguyên âm tự nhiên và phiên bản đảo ngược của âm thanh.

Sử dụng hình ảnh quang học, nhóm đã đo những thay đổi trong cơ thể của trẻ sơ sinh. Trong khi đó, các bản ghi âm cũng được phát để xem liệu bộ não của trẻ có phản ứng khác nhau không. Trong bài kiểm tra đầu tiên, các em bé không thể phân biệt giữa nguyên âm bình thường và phiên bản đảo ngược.

Tuy nhiên, sau năm giờ, hình ảnh quang học cho thấy não của trẻ sơ sinh bắt đầu phân biệt giữa hai âm thanh. Hai giờ sau đó, trong thời gian trẻ sơ sinh chủ yếu ngủ, việc tiếp xúc với sự tương phản nguyên âm đã kích hoạt sự kết nối bùng nổ. Khi đó, các tế bào thần kinh tương tác với nhau trên diện rộng, như thể chúng được truyền cảm hứng từ âm thanh nghe được.

Guillaume Thierry - Giáo sư khoa học thần kinh nhận thức, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, một sự khác biệt rất nhỏ cũng đủ để kích hoạt sự gia tăng hoạt động não đáng kể ở trẻ sơ sinh. Điều đó cho thấy, những trải nghiệm ban đầu có khả năng gây hậu quả lớn cho sự phát triển nhận thức”.

Trong khi đó, ông Gary Oppenheim - giảng viên tâm lý học, chia sẻ: “Khi con trai tôi chào đời, tôi rất ngạc nhiên khi thấy bé ngay lập tức tỉnh táo, mắt mở to và nhìn xung quanh để đắm chìm trong thông tin về môi trường mới.

Công việc mà tai và hệ thống thính giác của trẻ sơ sinh đang làm không rõ ràng bằng mắt thường. Tuy nhiên, kết quả ngoạn mục này cho thấy, con người có độ nhạy đáng kể với thông tin ngôn ngữ ngay từ khi chào đời.

Con người ngay lập tức phát triển để đáp ứng với những trải nghiệm trên thế giới, ngay cả khi chúng ta dường như chỉ đang ngủ”.

Theo MedicalXpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ