1. Phân su của trẻ không có mùi
Phân su của trẻ thường được bài tiết trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Trong một số trường hợp như suy trong tử cung, mang thai kéo dài… phân su có thể được thải ra ngoài sớm hơn.
Phân người bình thường có mùi hôi là do hệ vi khuẩn đường ruột phân hủy thức ăn, tạo ra các thành phần có mùi. Khối phân su đầu tiên của bé chưa trải qua quá trình phân hủy hệ vi khuẩn, có thành phần chủ yếu là tế bào biểu mô thành ruột, mỡ bào thai... nên không có mùi gì cả.
2. Khi mới chào đời, bé khóc không ra nước mắt
Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh thường không thể rơi nước mắt khi bé khóc cho đến khi bé được 3-4 tuần. Đó là do tuyến lệ của bé chưa phát triển hoàn thiện nên trẻ chưa có nước mắt khi mới chào đời.
3. Trẻ sơ sinh cũng có phản xạ giật mình
Khi mới chào đời, bé đến với một thế giới xa lạ, cảm thấy sợ hãi nên có phản xạ giật mình. Có nhiều yếu tố khiến bé sợ hãi, chẳng hạn như âm thanh bất ngờ từ thế giới bên ngoài, ánh sáng chói lóa, thậm chí tiếng khóc của chính bé.
Đôi khi, bé đang ngủ cũng bị giật mình, bé đột nhiên duỗi thẳng tay chân và bắt đầu khóc. Phản xạ giật mình là phản xạ thần kinh sơ khai, thường mất đi sau khi trẻ được 3 đến 5 tháng tuổi.
Nếu bé lớn mà vẫn có phản xạ này thì bạn cần chú ý xem bé có bị thiếu vitamin D không. Để xác định chính xác, bạn cần đưa bé đến gặp bác sỹ để được thăm khám.
4. Bé hay "quên thở" khi ngủ
Hầu hết các cặp bố mẹ mới làm quen đều có thói quen này: Khi con ngủ, họ thường nhìn chằm chằm vào con và có khi họ không nghe được tiếng thở của con. Hơi thở của trẻ sơ sinh rất yên tĩnh và hầu như không có bất cứ âm thanh nào.
Trên thực tế, có những lúc trẻ thực sự đã "quên thở". Tình trạng ngưng thở này có thể kéo dài 5-10 giây. Đó là hiện tượng bình thường. Nếu thời gian ngưng thở của trẻ sinh đủ tháng có thể lên đến hơn 15s thì thực sự cần phải chú ý, cha mẹ cần đi khám để được tư vấn, không nên chậm trễ.
5. Trẻ nhỏ bị "bàn chân bẹt"
Bàn chân bẹt là mặt lòng bàn chân bằng phẳng, không lõm chút nào. Hầu hết, trẻ sơ sinh thường mắc hội chứng bàn chân bẹt. Dị tật này ở đa số trẻ sẽ tự hết lúc 6 tuổi nếu bàn chân vận động tốt và mềm mại.
6. Trẻ 18- 24 tháng tuổi cấu trúc não gần với người lớn
Sự phát triển của não bộ của em bé đã bắt đầu trong bụng mẹ. Dung lượng não của trẻ sơ sinh có thể đạt hơn 60% so với người lớn. Vậy nên những đứa trẻ nhỏ thông minh hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
Trẻ sơ sinh từ 18 đến 24 tháng tuổi đã có cấu tạo và kích thước não cơ bản gần giống với người lớn. Vì vậy, đừng nghĩ rằng bé không hiểu gì nhé.
7. Trẻ dưới 1 tuổi không được ăn "mặn"
Tại sao không khuyên dùng muối cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi? Ngoài việc tăng gánh nặng trao đổi chất còn một lý do rất kỳ lạ khác. Đó là vì vị giác của trẻ sơ sinh rất đặc biệt, trẻ sơ sinh đầy tháng đã có thể cảm nhận được vị chua, ngọt và đắng nhưng trẻ chỉ có thể nếm được vị mặn sau khi đạt 9-12 tháng tuổi.