Bất ngờ thấy báu vật độc đáo của Việt Nam "ngủ quên" cả trăm năm tại bảo tàng Pháp

GD&TĐ - Cách đây tròn 10 năm, bản thảo tập tranh màu “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” được “đánh thức” sau hơn 100 năm quên lãng.

Đây là một tập tranh màu truyện thơ Lục Vân Tiên bản tiếng Pháp dịch từ tập truyện Lục Vân Tiên được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác năm Đồng Khánh thứ nhất (1866).

Bản sách tiếng Pháp thực hiện năm 1897 có tổng cộng 1.200 hình màu và 633 họa tiết do họa sĩ cung đình Huế thực hiện theo yêu cầu của Đại úy pháo binh hải quân Pháp tại Huế là E. Gibert.

“Đánh thức” kho tàng trăm năm

“Lục Vân Tiên cổ tích truyện” sau đó được dịch giả Abel des Michels chuyển ngữ sang tiếng Pháp và được Đại úy E. Gibert mang về trao tặng lại thư viện Viện Hàn lâm Pháp vào năm 1899.

Hơn một thế kỷ “ngủ yên” trong thư viện, bản “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” - Histoire de Luc Van Tien được GS Phan Huy Lê phát hiện khi sang Pháp.

Giữa năm 2011, GS Phan Huy Lê có chuyến công tác tại Pháp. Ông được mời đến thư viện của Học viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp để giao lưu và đi tham quan phòng lưu trữ. Giám đốc thư viện đã giới thiệu đến ông nhiều tác phẩm sách và bản đồ cổ của Viễn Đông.

Trong số đó có một tập bản thảo dày, ngoài bìa có dòng chữ viết tay bằng tiếng Pháp. Tạm dịch: Lịch sử Lục Vân Tiên do Lê Dui Trach minh họa, với sự bảo trợ của E. Gibert, Đại úy pháo binh hàng hải, phụ tá chỉ huy pháo binh tại Huế (An Nam), chính thức trao tặng cho Học viện vào ngày 26/5/1899.

Lập tức, GS Phan Huy Lê nhận ra đây là một văn bản quý của truyện Lục Vân Tiên do một người Việt Nam tên là Lê Đức Trạch (phiên âm sang tiếng Pháp viết không dấu là “Lê Dui Trach”) minh họa và do một sĩ quan người Pháp là Đại úy Gibert tổ chức bản thảo.

Ông Lê Đức Trạch là “thư lại chế họa đồ thức”, hay có thể hiểu là một nho sĩ - viên chức làm việc trong một cơ quan chuyên vẽ đồ bản trong cung đình nhà Nguyễn. Đây có thể là một cơ quan trong đội Giám thành của Kinh thành Huế.

Đây là truyện thơ minh họa bằng tranh màu là một độc bản quý hiếm chưa từng được công bố kể từ khi hoàn thành vào cuối thế kỷ 19 (năm 1897). E. Gibert là người đã thúc đẩy công trình độc đáo hiếm hoi này bằng niềm mến mộ đối với truyện thơ Lục Vân Tiên nói riêng, và các tác phẩm kinh điển của Việt Nam nói chung.

Theo các tư liệu giải mã, E. Gibert đến Bắc Kỳ lần thứ nhất từ 1890 - 1892. Ở lần thứ hai, Gibert được bổ nhiệm làm Đốc trưởng pháo binh ở Huế, và lưu lại trong khoảng thời gian từ 1895 - 1897.

Trong lần lưu trú thứ hai này, ông đã đề nghị họa sĩ Lê Đức Trạch thực hiện các bức tranh minh họa theo phong cách “bản thảo chiếu sáng” truyền thống của phương Tây. Ngoài ra, có một nghệ sĩ vô danh khác đã thực hiện vài bức đơn giản hơn ở cuối trang.

“Lục Vân Tiên cổ tích truyện” có tổng cộng 1.200 hình màu và 633 họa tiết do họa sĩ cung đình Huế và Đại úy E. Gibert phối hợp thực hiện, hoàn thành năm 1897.

Lục Vân Tiên cổ tích truyện” có tổng cộng 1.200 hình màu và 633 họa tiết do họa sĩ cung đình Huế và Đại úy E. Gibert phối hợp thực hiện, hoàn thành năm 1897.

Châu về Hợp Phố

Theo giải mã của các chuyên gia Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, bản thảo tranh màu “Lục Vân Tiên cổ tích truyện” hoàn thành vào ngày 18/6/1897. Phía trước mỗi trang minh họa được chèn một trang trống, dùng để Đại úy E. Gibert viết ghi chú giải thích. Một tờ giấy khác được chèn để bảo vệ những trang tranh minh họa của Lê Đức Trạch. Bản thảo được đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. Quyển sách được khâu thủ công và đóng lại bằng bìa cứng.

Lục Vân Tiên là truyện thơ lục bát nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Mặc dù bị mù hai mắt từ khi 27 tuổi (1849), nhưng trong hoàn cảnh sa sút, Nguyễn Đình Chiểu đã phải vừa dạy học, vừa làm thuốc để kiếm sống và sáng tác.

Truyện thơ Lục Vân Tiên được sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1851 đến trước 1859, bằng cách đọc lại cho học trò và bạn bè khi chép, trở thành một tác phẩm văn học dân gian truyền miệng.

Theo GS Phan Huy Lê, bản chữ Nôm đầu tiên xuất bản do nhà văn Duy Minh Thị (một viên chức hành chính thời Pháp) thu thập, đính chính và khắc in tại Bảo Hoa Các tàng bản (Trung Quốc) khoảng năm 1864. Năm 1865 in lại ở Chợ Lớn do hiệu sách Quảng Thạnh xuất bản. Bản phiên âm sang chữ quốc ngữ đầu tiên của Gustave Jan-neau in tại Sài Gòn năm 1867 rồi in lại ở Paris năm 1873.

Năm 1883, Abel des Michels cho xuất bản Lục Vân Tiên ca diễn bằng ba thứ tiếng: Chữ Nôm, phiên âm quốc ngữ và bản dịch tiếng Pháp. Khi Nguyễn Đình Chiểu mất, năm 1889 học giả Trương Vĩnh Ký đã thu thập, tham khảo các bản và chỉnh lý, cho xuất bản tại Sài Gòn “Lục Vân Tiên truyện”. Đây được coi là văn bản chữ quốc ngữ có giá trị nhất.

Bản thảo của E. Gibert đã cung cấp một văn bản chữ Nôm mang tên Lăng Vân Đường mà Lê Đức Trạch đã sử dụng. Nguồn gốc của bản thảo Lăng Vân Đường vẫn chưa rõ, và mặc dù là một dị bản nhưng các tranh minh họa bởi Lê Đức Trạch lại có đóng góp rất lớn.

Truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là một tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam. Tuy vậy, điều đặc biệt ở bản thảo bị quên lãng lại được minh họa trọn vẹn bài thơ hơn 2.000 câu.

Sau phát hiện của GS Phan Huy Lê, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đã phối hợp với Thư viện Viện Pháp và tổ chức một dự án nghiên cứu và công bố bản thảo minh họa truyện Lục Vân Tiên.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành scan chụp 139 tấm cùng nhiều ngày nghiên cứu, giải mã các bí ẩn liên quan đến bản thảo tập tranh màu hơn 100 năm này. Bản minh họa tác phẩm thi ca đậm bản sắc dân tộc mang tên “Lục Vân Tiên” - sau trăm năm rơi vào quên lãng đã được “đánh thức”.

Mối lương duyên giữa GS Phan Huy Lê với Nguyễn Đình Chiểu - nói đúng hơn giữa ông với Đại úy E. Gibert và họa sĩ cung đình Lê Đức Trạch đã làm “sống lại” một công trình cổ tích giá trị. Điều đó đã làm phong phú hơn kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, cũng như chứng minh cho chân lý “châu về Hợp Phố”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ