Bất ngờ Mỹ tăng mua dầu Nga dù lớn tiếng trừng phạt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một số ngoại lệ trừng phạt được đưa ra bao gồm việc Mỹ nhập khẩu dầu Nga với mức giá cao hơn giá trần.

Mỹ đã nhập khẩu trực tiếp dầu Nga từ tháng 10/2023. Ảnh: RT
Mỹ đã nhập khẩu trực tiếp dầu Nga từ tháng 10/2023. Ảnh: RT

Mỹ đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và các nguồn năng lượng khác từ Nga vào tháng 3 năm 2022, là một phần của lệnh trừng phạt liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ vẫn cho phép các ngoại lệ.

Hãng tin RBK trích dẫn dữ liệu từ cơ sở dữ liệu thống kê ngoại thương của Mỹ, cho thấy, Mỹ mua dầu của Nga để tiêu thụ trong cả tháng 10 và tháng 11/2023.

Tổng lượng nhập khẩu là 36.800 thùng trong tháng 10/2023 và 9.900 thùng trong tháng 11/2023, được mua với giá lần lượt là 2,7 triệu USD và 749.500 USD.

Đồng thời, một thùng dầu của Nga có giá 74 USD vào tháng 10/2023 và 76 USD vào tháng 11/2023. Con số này cao hơn đáng kể so với mức giá trần do nước này đặt ra ở mức 60 USD/thùng.

Việc nhập khẩu trong những tháng cuối năm 2023 được cho là lần mua dầu đầu tiên của Mỹ trực tiếp từ Nga kể từ khi lệnh cấm được áp dụng. Không chỉ vậy, Mỹ vẫn tiếp tục mua hàng hóa từ nước thứ ba.

Theo báo cáo gần đây của Global Witness, dựa trên dữ liệu theo dõi tàu của Kpler, trong 3 quý đầu năm ngoái, Mỹ đã nhập khẩu 30 triệu thùng nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu chạy bằng dầu của Nga.

Việc mua bán này được thực hiện thông qua “lỗ hổng lọc dầu”, cho phép dầu của Nga vào Mỹ sau khi đã được tinh chế.

Ngoài lệnh cấm vận của Mỹ, dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga cũng phải chịu mức trần giá của G7 và EU.

Biện pháp trừng phạt được đưa ra vào cuối năm 2022 đã cấm các công ty phương Tây cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ khác cho các chuyến hàng dầu thô của Nga trừ khi hàng hóa đó được mua ở mức giá bằng hoặc thấp hơn giới hạn 60 USD/thùng.

Các lệnh cấm này không được thực thi cho đến tháng 10 năm 2023, khi Mỹ bắt đầu cố gắng lấp các lỗ hổng trừng phạt bằng việc xử phạt các tàu chở dầu và các công ty hàng hải bị nghi ngờ vận chuyển dầu của Nga vượt quá giới hạn giá do G7/EU đặt ra.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thị trường, những hạn chế mới khó có thể trở thành trở ngại nghiêm trọng đối với hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga. Bất chấp nhiều lệnh trừng phạt, xuất khẩu dầu Nga năm ngoái vẫn đạt khoảng 250 triệu tấn, cao hơn 7% so với năm 2021, trước cuộc xung đột Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngành chức năng địa phương hỗ trợ người dân dập lửa.

Cháy 5 căn nhà ở Cà Mau

GD&TĐ - Trên địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) vừa xảy ra vụ hỏa hoạn làm cháy 5 căn nhà.