“Bật mí” của Hiệu trưởng trường VNEN thành công nhất cả nước

GD&TĐ - Là một trong số 1.447 trường học tham gia dự án Mô hình trường học mới (VNEN), Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai) đã trở thành một trong những điểm hình của cả nước trong việc triển khai thực hiện VNEN thành công.

Một lớp học VNEN của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai)
Một lớp học VNEN của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Lào Cai)

Theo cô Hiệu trưởng Bùi Thị Kim Chi, VNEN đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là phương pháp dạy học và tổ chức hoạt động của nhà trường và các lớp học.

Chia sẻ của cô Bùi Thị Kim Chi với báo Giáo dục & Thời đại cho biết:

* Là một trong những trường thực hiện VNEN thành công nhất của cả nước, theo cô yếu tố nào tạo nên sự thành công đó?

 Cùng với việc quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ, chúng tôi rất quan tâm công tác tuyên truyền tới cha mẹ học sinh và cộng đồng với nhiều hình thức như: xây dựng các video để tuyên truyền, tổ chức họp với cha mẹ học sinh và mời cha mẹ học sinh tham gia vào các hoạt động, các tiết học của nhà trường.
Cô Bùi Thị Kim Chi

- Cô Bùi Thị Kim Chi: Theo tôi, để thực hiện VNEN thành công thì vai trò của người thủ lĩnh (Hiệu trưởng nhà trường) là rất quan trọng. Muốn triển khai tốt mô hình VNEN đầu tiên Hiệu trưởng phải hiểu rõ bản chất của Mô hình trường học mới bao gồm những nội dung gì, nội dung đó nếu đưa vào trường học của mình thì sẽ mang đến lợi ích gì cho người học.

Bản thân tôi, cũng là một hiệu trưởng và cũng là cốt cán của mô hình VNEN nên tôi nhận thấy những nội dung về tổ chức lớp học và kĩ thuật dạy học theo mô hình VNEN nếu triển khai tốt sẽ thay đổi toàn diện nhà trường.

Theo đó, tôi xác định nhiệm vụ triển khai mô hình VNEN là nhiệm vụ đột phá của nhà trường, coi đây là "đòn xeo" thúc đẩy về đổi mới phương pháp dạy học.

Để triển khai mô hình VNEN, nhà trường đã có nhiều quyết tâm bằng những việc làm cụ thể. Đầu tiên đó là tuyên truyền, tập huấn để giáo viên nhận thức đúng về nội dung của mô hình, đặc biệt là các kĩ thuật dạy học.

Chúng tôi đã từng bước “nâng tầm” cho cán bộ, giáo viên qua các lớp tập huấn như: Mời giảng viên tập huấn kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc hợp tác, kĩ thuật dạy học hiện đại; tập huấn về các kĩ thuật dạy học tích cực….

Đặc biệt trước khi triển khai mô hình trường học mới, nhà trường đã triển khai tốt các phương pháp dạy học “Lấy học sinh làm trung tâm”, học sinh đã biết là việc theo nhóm.

Từ vai trò nòng cốt chuyên môn của hiệu trưởng, sự đoàn kết, mong muốn và sẵn sàng tham gia vào đổi mới, trường Hoàng Văn Thụ đã từng bước triển khai, rút kinh nghiệm sau từng giờ học, sau từng giai đoạn triển khai chúng tôi đã tự tin vào thành công của mô hình VNEN.

Cô Bùi Thị Kim Chi tham gia một hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh
Cô Bùi Thị Kim Chi tham gia một hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh 

* Vẫn còn nhiều trường, nhiều địa phương đang loay hoay thực hiện mô hình trường học mới, dẫn đến kết quả không đạt được như mong muốn. Cô có chia sẻ điều gì để các trường, các địa phương tháo gỡ khó khăn nếu được triển khai áp dụng VNEN?

- Cô Bùi Thị Kim Chi: Hiện nay, ở nhiều địa phương dư luận còn băn khoăn về hiệu quả của Mô hình trường học mới. Theo kinh nghiệm của tôi:

Thứ nhất, cần hiểu rằng triển khai dạy học theo mô hình trường học mới vẫn có sự đồng nhất về mục tiêu cấp học theo chuẩn kiến thức. Có khác chăng là ở kĩ thuật dạy học.

Theo tài liệu giáo dục hiện hành giáo viên vẫn phải thiết kế các hoạt động dạy học để học sinh được phát triển năng lực, phẩm chất và đặc biệt là có thể tự đánh giá theo mục tiêu bài học.

Còn theo tài liệu của mô hình VNEN đã thiết kế theo các hoạt động và giáo viên điều chỉnh cho phù hợp với thực tế lớp dạy. Như vậy đầu tiên hiệu trưởng phải có niềm tin nếu triển khai Mô hình trường học mới sẽ tạo ra sự thay đổi về phương pháp dạy học.

Thứ hai: Các trường chỉ triển khai khi đã hiểu rõ về bản chất của Mô hình. Tôi cũng đã được tiếp xúc và được nghe một số cán bộ giáo viên cho rằng, dạy theo tài liệu VNEN là học sinh tự học, học theo nhóm và họ để học sinh tự học, giáo viên không dám tham gia vào quá trình học của học sinh.

Thực chất đây là mô hình của sự sáng tạo. Vì vậy trong dạy học chúng ta được phép linh hoạt điều chỉnh nội dung, hình thức cho phù hợp với đối tượng học sinh để học sinh được trải nghiệm, thực hành đi đến chiếm lĩnh kiến thức thay vì việc giáo viên cung cấp kiến thức. Người quản lý không được cứng nhắc, luôn trân trọng sự sáng tạo của giáo viên, học sinh.

Thứ ba, mô hình chỉ triển khai tốt khi giáo viên nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường, giáo viên cốt cán. Ngay từ khi mới triển khai, tôi đã luôn đồng hành cùng giáo viên, từ thiết kế lại tài liệu hiện có, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, rồi cùng nhau chia sẻ, rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho các bài học sau.

Lãnh đạo nhà trường có thể dự giờ và có thể làm mẫu ngay tại lớp. Chúng tôi luôn tạo ra môi trường, văn hóa nhà trường làm việc cùng nhau. Chúng tôi khuyến khích giáo viên đề xuất và cùng tháo gỡ khó khăn.

Thứ tư, coi trọng công tác bồi dưỡng và chia sẻ chuyên môn trong trường. Sau tập huấn, chúng tôi xây dựng các lớp mẫu ở từng khối, bồi dưỡng cốt cán ở từng khối lớp và sau đó nhân rộng điển hình.

Trong chuyên môn, chúng tôi đặc biệt coi trong việc tự học. Chúng tôi vẫn tạo ra “áp lực” để giáo viên vượt lên chính mình. Chẳng hạn chúng tôi yêu cầu giáo viên mỗi kì phải đăng kí tối thiểu 1 tiết dạy học công khai để chia sẻ và bồi dưỡng về đổi mới phương pháp. Động viên và yêu cầu giáo viên dạy để mời cha mẹ học sinh đến dự giờ…

Thứ năm: Phải đồng thuận và kiên định với mục tiêu đã chọn. Khi đã lựa chọn triển khai Mô hình thì đó phải là sự lựa chọn của tập thể. Cùng làm, cùng quyết tâm và cùng nhau tháo gỡ khó khăn. Từ đó có tiếng nói chung để tuyên truyền tới cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội.

* Vậy theo cô để thực hiện VNEN thành công, giáo viên cần tuân thủ những nguyên tắc nào?

- Cô Bùi Thị Kim Chi: Theo tôi, với lãnh đạo trường phải là người tiên phong và là nòng cốt chuyên môn, biết lắng nghe và chia sẻ. Đồng thời phải xây dựng được văn hóa, tinh thần làm việc tập thể.

Mặt khác phải chú trọng công tác bồi dưỡng để đội ngũ giáo viên hiểu đúng về bản chất của mô hình và là tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận.

Đối với giáo viên, tuyệt đối không máy móc dập khuôn. Phải luôn làm chủ kiến thức, kiểm soát và giúp đỡ học sinh kịp thời, dự đoán được khó khăn của học sinh trong mỗi hoạt động, mỗi tiết học.

Điều chỉnh nội dung, hình thức tổ chức phù hợp với điều kiện của lớp như: Điều kiện về trình độ học sinh, số lượng học sinh, cơ sở vật chất… Giáo viên phải biết tạo bầu không khí lớp học luôn vui vẻ, gần gũi, thân thiện. Tâm thế thoải mái, sự tự tin của người thầy giáo khi bước vào lớp học là một chất xúc tác cần thiết cho sự thành công.

Ngoài ra, giáo viên phải luôn luôn lắng nghe và tích cực tự học, tự bồi dưỡng để đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Xin cảm ơn cô Bùi Thị Kim Chi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ