Con tôi sẽ thế nào?
Vào một buổi sáng, tôi vào lớp học, nắm bắt sĩ số lớp thì được biết Tuấn nghỉ học. Quan sát trên bàn tôi không thấy giấy xin phép nghỉ học cũng không thấy phụ huynh điện xin phép.
Tôi bắt tay vào bài dạy và dự định giờ ra chơi sẽ gọi cho phụ huynh để nắm bắt tình hình. Tiếng trống vừa dứt báo hiệu hai tiết học trôi qua, học sinh ùa ra như bầy ong vỡ tổ, cùng lúc đó hai bố con Tuấn bước vào. Anh Hải (tên phụ huynh) đem tập vở của con và nói:
- Thưa cô giáo, tối qua về xem vở của cháu sau một tuần học, tôi không thấy cô cho điểm vào bài làm của cháu mà chỉ nhận xét Đạt hoặc Tốt? Vì trong mỗi tuần bài tôi chấm cho học sinh khá nhiều nên khi lật sang trang bên cạnh anh Hải băn khoăn: Tôi thấy có những bài toán cháu làm sai, cô ghi nhận xét là Khá tốt. Tôi hỏi cháu sao cô lại nhận xét như vậy, cháu nó cũng không hiểu.
Cuối cùng anh buông lời xót xa: Với cách học nhóm như hiện nay, con tôi sẽ thế nào, thưa cô giáo?
Trước sự băn khoăn, lo lắng (có phần thái quá) của phụ huynh, tôi đã kịp trấn tĩnh và giải thích cho anh hiểu về cách học theo mô hình VNEN và cách ghi nhận xét theo hướng dẫn mới.
Nhưng thú thực từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi biết vị phụ phụ huynh đó chưa thật an tâm và cả chính tôi, tôi cũng nhận ra trong sự thắc mắc đó một phần có lỗi của tôi.
Những việc cần làm ngay...
Tôi tự trách mình đã chấm bài cho học sinh mà không kèm theo lời nhận xét cặn kẽ, không chỉ ra chỗ chưa đúng và yêu cầu học sinh chữa lại. Cái cách chưa hiểu cặn kẽ Thông tư 30 (nay được sửa đổi thành Thông tư 22) nên chỉ chuyển đổi một cách nôm na từ điểm số tương ứng với lời nhận xét chung chung ấy thật tai hại.
Và cái quan trọng nhất là tôi chưa thể làm tốt thông tin hai chiều để các bậc phụ huynh nắm bắt được tinh thần của đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục.
Cả đêm hôm đó tôi không sao ngủ được, tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó để củng cố niềm tin của phụ huynh và quan trọng nhất là tạo động lực cố gắng cho học sinh.
Cuối cùng tôi muốn dậy, cầm bút vạch ra các bước cần làm ngay. Tôi bắt tay vào việc khắc phục sự cố trong dạy học. Hàng ngày tôi vẫn hướng dẫn tổ chức việc học của các em trên lớp, tôi cố gắng quan sát chú ý từng biểu hiện nhỏ trong ý thức học tập của các em.
Trong quá trình chấm bài tôi cố gắng nhận xét tỉ mỉ. Trong lời nhận xét có sự động viên khuyến khích lẫn yêu cầu của mình đối với cách làm bài của học sinh, đối với những bài học sinh làm sai, tôi nhẹ nhàng khuyên em làm lại. Sự tỉ mỉ, nhiệt tình của tôi trong giờ dạy phần nào khiến học sinh chăm chỉ hơn.
Đối với các tiết học hoạt động giáo dục, tôi chủ động công tác tổ chức sao cho các tiết học đó trở thành hoạt động vui, ý nghĩa, bổ ích song mang tính ý nghĩa giáo dục thái độ, kỹ năng sống, hành vi trong thực tiễn.
Cứ như thế tôi truyền tất cả niềm tin và nghị lực của một giáo viên trẻ cho các em. Mỗi lời nói, mỗi việc làm, mỗi hành động tôi cố gắng làm gương với một mục đích duy nhất là tạo động lực, khuyến khích ý thức, sự cố gắng của học trò.
Đổi mới ngay trong cách quản lý học sinh
Hôm nay, đứng trước 33 phụ huynh, nhớ lại ngày đó tôi nghĩ mình thật may mắn vì có những phụ huynh rất sâu sát, tâm đắc trong việc học của con em. Tôi mừng thầm vì chính mình đã dám rũ bỏ sự cứng nhắc, quan liêu trong tư tưởng và trì trệ trong dạy học. Giờ đây tôi nghĩ mình có thể tự tin về thành quả đạt được sau một năm mà cô trò tôi cố gắng.
Lời phát biểu của anh Hải (bố Tuấn): “Cảm ơn cô giáo, bây giờ thì chúng tôi đã hiểu và hoàn toàn tin tưởng vào mô hình trường học mới”. Một phụ huynh tiếp lời “Thưa cô, thành công nhất mà con tôi đạt được trong năm học này đó là là cháu tự tin hơn, ý thức học được nâng lên rõ rệt. Chân thành cảm ơn cô giáo”.
Không gian lớp học bừng nên như vỡ òa bởi tiếng vỗ tay của các bậc phụ huynh, lòng tôi mừng khôn tả. Tôi nhận ra rằng trong dạy học dù đổi mới đến đâu, áp dụng thông tư, chỉ thị nào, cái đích cần đến vẫn là giáo dục các em trở thành những con người thực sự toàn diện.
Hơn thế nữa để đi đúng hướng, đạt đúng mục đích trong dạy học thì cần nhất vẫn là cái tâm của người giáo viên và đổi mới ngay trong cách quản lý trên chính đối tượng dạy học của mình.