"VNEN phù hợp với định hướng giáo dục mới"

Đó là khẳng định của ông NGUYỄN ĐỨC HỮU - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT với Tuổi Trẻ trước những ý kiến trái chiều xung quanh việc thực hiện mô hình VNEN ở Việt Nam.

Một lớp học theo mô hình VNEN ở Khánh Hòa - Ảnh: Vĩnh Hà
Một lớp học theo mô hình VNEN ở Khánh Hòa - Ảnh: Vĩnh Hà

Ông Hữu cho biết: Phương pháp giáo dục VNEN tại Việt Nam được chính thức triển khai từ năm học 2012-2013 ở 1.447 trường tiểu học. Dự án GPE-VNEN được thực hiện ở cấp tiểu học kết thúc vào cuối tháng 5-2016.

Ngày 18-8-2016, Bộ GD-ĐT đã có công văn số 4068 gửi các địa phương về việc triển khai phương pháp giáo dục này từ năm học 2016-2017.

Theo đó, bộ khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai phương pháp giáo dục VNEN tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh, đảm bảo nguyên tắc “lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm”.

Năm học 2016-2017 có 3.067 trường tiểu học và 1.161 trường THCS thực hiện VNEN trên tinh thần tự nguyện.

* Nhiều người nhận xét VNEN không phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhưng vẫn có những nhà trường cho rằng VNEN tăng hiệu quả giáo dục rõ rệt...

- Qua kiểm tra thực tế cho thấy địa phương nào có sự chuẩn bị đầy đủ về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là năng lực của cán bộ quản lý và giáo viên, thì việc triển khai VNEN ở địa phương đó sẽ linh hoạt, sáng tạo và đạt hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, cũng còn một số nơi chưa nhận thức đúng về VNEN (vẫn coi VNEN là một chương trình giáo dục, trong khi đó chỉ là một phương pháp giáo dục); chưa chuẩn bị đủ điều kiện tối thiểu về thiết bị dạy học và kỹ năng sư phạm của giáo viên nên triển khai thực hiện máy móc, rập khuôn;

Tổ chức hoạt động học của học sinh một cách hình thức, chưa hiệu quả; một bộ phận học sinh không đạt được kết quả học tập mong muốn; chưa tạo được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, gây bức xúc trong xã hội.

Để triển khai tốt VNEN trong năm học 2017-2018 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các sở GD-ĐT phải rà soát, nếu trường nào chưa đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thì chưa áp dụng hoàn toàn mô hình để tiếp tục chuẩn bị; trước mắt lựa chọn một số thành tố của mô hình để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, có giải pháp phù hợp để học sinh có nguyện vọng được tiếp tục học theo phương thức dạy học mới.

* Những thành công của phương pháp giáo dục VNEN có được tiếp thu để đưa vào chương trình giáo dục mới?

- VNEN thực chất là một phương thức dạy học mới, theo hướng tổ chức cho học sinh tự học, tự chủ, tự quản; chuyển từ việc truyền thụ kiến thức của giáo viên sang việc tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học; lấy học sinh làm trung tâm nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, đáp ứng định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, định hướng về phương pháp giáo dục là áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học; trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn các hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện để phát triển năng lực phẩm chất học sinh.

Như vậy, các thành tố của phương pháp giáo dục VNEN phù hợp với định hướng về phương pháp trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Các cơ sở giáo dục, giáo viên có thể chủ động vận dụng các thành tố của phương thức dạy học này vào thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

* Từ những bất cập trong quá trình triển khai VNEN, Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm gì khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới?

- Ông Nguyễn Đức Hữu: Đó là cần có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ; đặc biệt cần dành thời gian xứng đáng cho công tác tập huấn cán bộ quản lý và giáo viên.

Quá trình triển khai cần có lộ trình, bước đi phù hợp, không chủ quan nóng vội, phải có tinh thần cầu thị lắng nghe và kịp thời rút kinh nghiệm để có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế.

Theo Tuổi trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.