Ăn trộm là một tật xấu mà hầu như người lớn nào cũng giáo dục cho con trẻ ngay từ tấm bé, tuy nhiên thật đáng buồn làm sao khi mà thi thoảng chúng ta vẫn được nghe, được biết và thậm chí là tận mắt chứng kiến những đứa bé với tuổi đời chưa tròn chục vẫn nghiễm nhiên thực hiện hành vi này.
Cô bé 9 tuổi có tên Đỗ Đỗ tại Trung Quốc là một trong số đó.
Cụ thể hơn, mới đây, những nhân viên bán hàng tại một siêu thị ở đất nước tỷ dân đã bắt gặp Đỗ Đỗ lén lút ăn trộm đồ bỏ vào túi. Nhưng có vẻ như cô bé không phải bị bất kỳ ai sai khiến bởi hành vi của em khá vụng về và đầy khả nghi, nhìn vào là phát hiện ngay chứ chẳng chuyên nghiệp như những đứa trẻ khốn khó bị kẻ xấu đào tạo lợi dụng.
Sau khi bị bắt, Đỗ Đỗ cúi đầu nhận tội. Gương mặt của em đáng thương, quần áo em rách rưới, tóc tai cũng chẳng được chăm sóc tử tế. Nhìn qua ai cũng dễ dàng đoán được rằng gia cảnh của Đỗ Đỗ rất nghèo.
Nhưng nghèo không phải là lý do để biện minh cho hành vi xấu xí, chính vì vậy các nhân viên siêu thị vẫn tra hỏi em cẩn thận về việc mà em đã làm.
Và cũng từ đây, câu chuyện về Đỗ Đỗ bắt đầu hé lộ khiến cho không ít người phải xúc động…
Các nhân viên siêu thị khám xét túi của Đỗ Đỗ trước, khi mở ra họ đã rất bất ngờ vì những gì mà em đã trộm. Trong đó chỉ toàn là các nhu yếu phẩm cần thiết dành cho trẻ nhỏ, bao gồm tã lót, bánh quy, sữa bột,...
Điểm chung của chúng là chắc chắn không phải cho Đỗ Đỗ sử dụng vì em đã quá tuổi mặc bỉm hoặc uống sữa trẻ nhỏ, đặc biệt hơn chúng chỉ toàn là những món rẻ tiền nhất trên kệ hàng.
Thắc mắc trước những món đồ mà cô bé 9 tuổi đã trộm, các nhân viên siêu thị liền dỗ dành để em kể ra sự thật.
Sau một hồi lưỡng lự, cuối cùng em cũng đã chịu chia sẻ. Em kể em là chị cả trong gia đình có 4 anh chị em, dưới em còn có 1 em gái và hai em trai. Nhà em nghèo lắm, bố mẹ phải đi làm xa để lại mấy chị em em ở cùng ông bà.
Hàng tháng bố mẹ em đều cố gắng gửi tiền về để chăm lo cho các con, nhưng số tiền ấy hoàn toàn không đủ dùng. Cuối cùng, khi nhận thấy 2 em trai quá tội nghiệp, bỉm thì cũ kỹ mặc đến ngứa ngáy, sữa thì hết và tiền cũng không còn, em đánh liều vào siêu thị ăn cắp.
Khi được hỏi “tại sao con chỉ lấy những thứ rẻ tiền vậy, ăn trộm thì chẳng phải nên lấy những món đồ đắt tiền hay sao?”, Đỗ Đỗ hồn nhiên đáp: “Con không thể lấy những thứ quá nhiều tiền vì như vậy sẽ gây thiệt hại cho mọi người, con chỉ muốn có đồ dùng và sữa cho em không khóc nữa, em con không cần đồ đắt tiền. Con xin lỗi”.
Nghe đến đây, mọi người đều nín lặng. Quả thật, dù hành động của Đỗ Đỗ là xấu nhưng từ sâu trong lòng em vẫn là một đứa trẻ hiểu chuyện.
Chưa kể, em thực hiện điều này không phải cho em mà là cho em trai. Trước sự đáng thương của Đỗ Đỗ, các nhân viên siêu thị đã tha lỗi cho em và cùng nhau chung tay giúp đỡ em, cũng như là em trai, em gái của em ở nhà.
Ngoài ra, câu chuyện có thật bên trên sau khi được đăng tải lên mạng xã hội, rất đông dân mạng Trung Quốc đã bày tỏ cảm giác xúc động của mình và thậm chí một số người còn tìm đến tận nhà Đỗ Đỗ để giúp đỡ gia đình em.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người cũng chia sẻ, câu chuyện của Đỗ Đỗ là một trong hàng tá câu chuyện tương tự bên ngoài xã hội ngày nay: Vì vấn đề kinh tế mà nhiều bậc phụ huynh quyết định đi làm xa và để lại con nhỏ ở quê nhà cho ông bà chăm sóc. Những đứa trẻ ấy cứ thế lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc giáo dục cơ bản của bố mẹ dành cho (vì ông bà đã già rồi, không thể nào làm chu toàn được tất cả những việc này).
Cuối cùng, nói một cách tương đối, chúng cứ thế phát triển ở tình trạng tiêu cực nhất, dễ dàng sa đà vào con đường xấu.
Câu chuyện hy vọng sẽ để lại một bài học cho nhiều cặp vợ chồng đang có dự định sinh con với thông điệp: Con cái không quyết định được gia cảnh nơi mình sinh ra, nếu cảm thấy gia đình không khá giả mấy và điều kiện kinh tế eo hẹp thì đừng sinh nhiều con kẻo khổ cả nhà.
Nhà đông con thì vui đó nhưng cũng khó khăn trăm bề, để tránh việc con mình rơi vào trường hợp như Đỗ Đỗ, bắt buộc các cặp vợ chồng phải có kế hoạch sinh nở hợp lý với tình trạng hiện tại. Sinh 1-2 con rồi tập trung chăm sóc ít nhiều cũng thoải mái hơn, con cái lớn lên cũng đỡ thiếu thốn hơn phải không nào?