Trước chốt kiểm dịch cửa ngõ huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), hàng trăm người lao động cùng gia đình tự ý đi xe máy về quê và đang bị “kẹt” lại.
Hầu hết số này là những lao động ở các huyện trên địa bàn tỉnh Long An, gần 3 tháng qua bị mắc kẹt giữa tâm dịch, nay kiệt quệ về tài chính nên mong được sớm trở về quê nhà.
Ông Nguyễn Văn Nhuần (56 tuổi), quê ở huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau). Gia đình ông làm công nhân ở một công ty tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, nhưng 3 tháng qua dịch bệnh nên nghỉ việc. Tối qua (22/9) cả gia đình gồm 4 người lớn và cháu gái mới 12 tháng tuổi đùm túm quần áo trở về quê.
Trong suốt thời gian di chuyển từ Long An về đây, cả nhà phải ngủ dọc đường trên địa phận tỉnh Tiền Giang 1 đêm, đến 8 giờ sáng nay thì "kẹt" lại tại khu vực chốt kiểm dịch huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Theo lời kể của ông Nhuần, cả gia đình 4 người lớn đều là F0 nay đã được điều trị khỏi và có giấy xác nhận của cơ quan y tế. Sau khi khỏi bệnh cả nhà tiếp tục về nhà trọ ở nhưng không có tiền trang trải cuộc sống, thiếu tiền thuê nhà.
"Để có tiền về quê, vợ tôi phải gom bếp ga, bình ga và một số đồ vật dụng bán được 1,3 triệu đồng. 4 người lớn phải test nhanh âm tính hết 1,2 triệu đồng mới được qua các chốt liên tỉnh để về tới cửa ngõ Hậu Giang này. Đêm nay chắc phải ngủ lại đây rồi", ông Nhuần nói.
Còn anh Trường Văn Phi, quê Bạc Liêu cho biết, anh và những người bạn đồng hương về quê, đến 18h ngày hôm qua 22/9 thì đến chốt kiểm dịch này và phải ngủ lại ven đường.
Anh hiểu rõ tự ý về quê và di chuyển liên tỉnh như vậy là không đúng quy định phòng chống dịch bệnh, nhưng ở lại rất khổ sở nên mới đánh liều.
"Cả đêm qua mưa gió, mọi người chen chúc nhau trước một mái hiên nhỏ của nhà dân ven đường để tựa lưng, đập muỗi liên tục chứ có ngủ được đâu”, anh Phi kể lại.
Riêng anh Phạm Văn Đấu cùng vợ và 2 con gái nhỏ cũng rời khỏi tỉnh Long An từ 4 giờ sáng nay (23/9), đến khu vực giáp ranh TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang khoảng 13 giờ cùng ngày.
Anh buồn bã cho biết suốt 3 tháng qua dịch bùng phát dữ dội nên cả nhà không dám đi đâu, chỉ ở trong nhà trọ. Giờ thì tiền ăn cũng không còn, tiền nhà trọ 2 tháng qua chưa thanh toán, nên hai vợ chồng chở theo 2 con gái về quê nhà ở xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu).
" Những người lao động nghèo như chúng tôi không cách nào trụ nổi ở xứ người được nữa nên mới bất chấp trở về quê hương", anh Đấu thổ lộ.
Theo ông Phạm Nhật Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), từ ngày hôm qua đến nay đã có hơn 300 người dân quê quán các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang về đến chốt. Ban Chỉ đạo xã đã báo cáo nhanh về lãnh đạo tỉnh, để liên hệ lãnh đạo các địa phương yêu cầu tiếp nhận công dân về quê.
"Thấy bà con khổ quá, chúng tôi cùng với địa bàn giáp ranh của TP Cần Thơ đã vận động cơm nước, bánh mì, khẩu trang để phát cho những người đang mắc kẹt tại đây", ông Hồng nói thêm
Hiện tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản đồng ý tiếp nhận, lực lượng công an huyện Châu Thành đã hỗ trợ đưa những người này đến địa bàn giáp ranh của tỉnh Sóc Trăng để họ về quê.
Đến 17h cùng ngày, phía tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu vẫn chưa có văn bản trả lời. Những người dân Hậu Giang đã được đón đưa đi cách ly tập trung. Những người quê Cà Mau, Bạc Liêu còn lại, trong đó có nhiều cháu bé, phải nằm ngủ vật vạ ngay vỉa hè.