Bất cập trong việc thanh toán bảo hiểm xe máy

GD&TĐ - Đồng nghiệp tôi bị tai nạn xe máy, người chỉ xây xát nhẹ nhưng phải sửa xe mất hơn 3 triệu đồng. 

Bất cập trong việc thanh toán bảo hiểm xe máy

Sau đó anh tìm đến doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (DNBH) đã bán trách nhiệm dân sự xe mô tô, xe gắn máy để yêu cầu thanh toán tiền đã sửa xe theo hợp đồng bảo hiểm xe máy mà anh đã mua. Tuy nhiên, anh bị DNBH từ chối thanh toán với hàng loạt các lý do như không thông báo ngay sự việc cho DNBH, tự gây tai nạn, hồ sơ không hợp lý, chưa được thẩm định... tóm lại là không được thanh toán!

Nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất của hoạt động bảo hiểm nói chung và bảo hiểm xe gắn máy nói riêng là phải thanh toán tiền bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi cho người bị tai nạn, rủi ro.

Việc thanh toán tiền do gây tai nạn đối với người thứ ba hoặc bồi thường do phương tiện bị hư hỏng hay sức khỏe, tính mạng của người điều khiển phương tiện giao thông là trách nhiệm của DNBH. Mức thanh toán tùy theo mức phí đã tham gia trước đó rất cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên trên thực tế hoàn toàn không phải đơn giản như vậy.

Chính sách bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy là tiến bộ, cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông, cũng như trách nhiệm bồi thường dân sự đối với người thứ ba khi tham gia giao thông bị tai nạn, rủi ro do khách quan. Tuy nhiên, việc thực hiện trách nhiệm thanh toán quyền lợi bảo hiểm cho người dân của DNBH không kịp thời, đầy đủ, thậm chí đa số trường hợp người dân mua bảo hiểm không được thanh toán.

Trong khi đó, người dân bị phạt nếu không mua bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy là bất hợp lý, không công bằng. Điều này đã gây bức xúc rất lớn trong nhân dân trong thời gian dài nhưng chưa được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tích cực bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm xe gắn máy khi họ gặp rủi ro, tai nạn. Đó là có biện pháp mạnh buộc các DNBH phải đền bù, bồi thường sòng phẳng, thỏa đáng, công bằng cho người bị tai nạn, rủi ro. Song song với đó cần quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan trong việc phối hợp, tạo điều kiện giải quyết bồi thường cho người mua bảo hiểm xe gắn máy.

Ví dụ, cơ quan công an cần xác nhận nhanh chóng, kịp thời về nguyên nhân gây tai nạn để người mua bảo hiểm hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ để yêu cầu DNBH bồi thường. Hiện nay, do chưa quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề này dẫn đến tình trạng tùy tiện, ban phát theo kiểu thích thì xác nhận, không thích thì thôi hoặc việc xác nhận không thống nhất gây khó khăn cho người dân khi làm thủ tục thanh toán tiền bảo hiểm xe gắn máy.

Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể, rõ ràng địa chỉ tiếp nhận hồ sơ, người có thẩm quyền giải quyết để người mua bảo hiểm có thể liên hệ, phản ánh dễ dàng, thuận tiện. Bởi vì, nhiều trường hợp người mua bảo hiểm muốn yêu cầu bồi thường, đền bù nhưng không biết đến đâu, gặp ai, phải làm các thủ tục gì.

Việc mua bảo hiểm xe mô tô, xe gắn máy là quan hệ thương mại, dân sự, do đó các cơ quan liên quan, gồm người bán và người mua phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật.

Đó là khi xảy ra tai nạn, rủi ro ngoài ý muốn, do nguyên nhân khách quan thì người bán - tức các DNBH phải thanh toán, bồi thường đầy đủ, kịp thời cho người mua bảo hiểm - đây là điều kiện bắt buộc đối với DNBH. Do đó, để bảo vệ quyền lợi cho người mua bảo hiểm xe gắn máy trong trường hợp DNBH không thực hiện cam kết, nghĩa vụ của mình các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để đòi lại công bằng cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ