Nếu có dịp đi quanh các cơ sở GD hiện nay, hình ảnh dễ bắt gặp nhất có lẽ chính là bãi chứa các tài sản cũ do các trường thải ra. Chúng là bàn ghế cũ đã bị hư hoặc được thay mới do yêu cầu của đơn vị. Đó có thể là các trang thiết bị phục vụ dạy học như quạt điện, bóng đèn, tủ đựng hồ sơ, nay các thiết bị dạy học như các mô hình thí nghiệm, các loại chai đựng… được chất đầy ngoài trời (vì phần lớn các trường không có kho để chứa). Điều đáng nói là những đống tài sản này ít nhiều vẫn có giá trị đặc biệt là bàn ghế, tủ đựng hồ sơ cũ. Tuy nhiên, việc thanh lý các tài sản này lại vô cùng phức tạp, dẫn đến tài sản thì bị mục nát, các trường cần thanh lý để kiếm thêm tiền phúc lợi lại không được.
Qua tìm hiểu, chúng tôi đều được các hiệu trưởng và kế toán các trường trả lời rằng: “Việc thanh lý các tài sản ấy không thuộc quyền quyết định của các trường mà phụ thuộc phần lớn vào phòng Tài chính cấp huyện, thị xã”. Ban đầu nghe qua thấy lạ nhưng khi tìm hiểu kĩ thì mới biết được một tài sản nào đó bị hư hỏng, nhà trường cần bán đi nhưng phải lập hồ sơ trình lên phòng Tài chính cấp huyện, thị xã để được phòng Tài chính xuống định giá tài sản. Sau khi định giá rồi, phòng Tài chính mới thống nhất cho các trường bán tài sản hư hỏng ấy đi.
Quá trình đó, thực tế rất rườm rà và tốn thời gian. Bởi lẽ một tài sản ở trường học khi đã cũ, đã hư thì giá trị thực tế chẳng đáng là bao. Trong khi thời gian từ khi trường trình hồ sơ lên phòng Tài chính cấp huyện, thị xã cho đến khi được giải quyết thường mất ít nhất 1 đến một vài tháng vì nhiều lý do khác nhau, nhất là việc cán bộ phòng Tài chính không có thời gian đi thẩm định giá tài sản. Vậy là trong thời gian chờ đợi đó, các trường chỉ còn duy nhất một cách là đem tài sản ấy chất đống ngoài trời và chờ đợi. Đến khi xong mọi thủ tục thì tài sản ấy chẳng còn lại gì ngoài những đống gỗ, đống sắt hoen rỉ... nhiều khi bán cho các chủ phế liệu họ còn không muốn mua về.
Biết rằng quản lý chặt chẽ, minh bạch là rất cần thiết để hạn chế lợi dụng quyền hạn trong việc thanh lý tài sản công ở trường học. Nhưng thực tế cho thấy, việc phòng Tài chính ôm đồm nhiều việc, trong đó có những việc nhỏ nhặt như quản lý giá một cái ghế, một cái bàn… đã hư hỏng tại các trường học hiện nay là việc quá bất cập. Nên chăng phòng Tài chính chỉ quản lý cấp vĩ mô và giao cho các trường học quyền tự chủ, tự quyết với những tài sản vốn không thể sử dụng được nữa. Để các trường tự chủ thì ít ra giá trị thực tế của tài sản dù hư hao vẫn còn được tận dụng ít nhiều vào quỹ phúc lợi, hay bổ sung ngân sách hoạt động của các trường.