Trông Tầu được biết đến là bản nằm xa trung tâm nhất của xã Xím Vàng (huyện Bắc Yên) với hơn 15 km đường giao thông không được rải nhựa mà chỉ là đường đá cấp phối. Trước khi sáp nhập, bản có hơn 90 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Sau khi sáp nhập hai bản với nhau, dân số tăng lên gần 170 hộ dân, sinh sống rải rác ở 5 cụm dân cư.
Khoảng cách từ cụm dân cư đầu bản đến cuối bản là hơn 5 km. Chính khoảng cách xa, dân cư phân bố không tập trung đã tạo ra sự bất hợp lý đối với người dân ở đây sau khi được sáp nhập.
Ông Mùa A Lâu, Trưởng bản Trông Tầu chia sẻ: Khi chưa sáp nhập, địa bàn không rộng như hiện nay. Khi đó, các khu dân cư trong bản tuy riêng lẻ nhưng Trưởng bản và Bí thư Chi bộ khi cần tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động sẽ thuận lợi hơn bởi cán bộ bản sinh sống ở gần các khu dân cư lân cận. Nhưng hiện nay, khoảng cách giữa các khu dân cư xa hơn, gây khó khăn cho việc tập trung người dân khi cần thiết.
Ngoài ra, cũng theo ông Mùa A Lâu, khi sáp nhập, tại các bản, tình trạng tranh chấp đất đai, nguồn nước của các hộ dân với nhau còn xảy ra. Cán bộ bản mất rất nhiều thời gian để giải quyết những vấn đề này do nhà các hộ dân không ở gần nhau. So với trước đây, hiện nay, công việc của trưởng bản đã tăng lên rất nhiều, hầu như không có thời gian để làm việc gia đình nữa. Từ thực tế này, nhiều cán bộ bản không còn nhiệt huyết để hoạt động vì mức phụ cấp thấp.
Xím Vàng là xã vùng cao của huyện Bắc Yên với dân số trên 2.000 người, diện tích tự nhiên gần 8.300 ha. Trước đây, toàn xã có 7 bản, sau khi sáp nhập chỉ còn 4 bản.
Ông Hạng A Củ, Bí thư Đảng ủy xã Xím Vàng cho biết, một trong những khó khăn là tại các bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có những nơi sau sáp nhập một bản có nhiều dân tộc hay dòng họ khác nhau, cùng sinh hoạt chung một tổ chức bộ máy cấp bản.
Do sự khác biệt về phong tục, tập quán nên khi sáp nhập thành một bản rất khó khăn. Ngoài ra, do tư tưởng dòng họ ăn sâu vào tiềm thức, trình độ dân trí còn hạn chế nên rất khó hòa nhập giữa các dòng họ. Địa hình đồi núi cao, khi sáp nhập lại, việc quản lý, sinh hoạt cộng đồng của bản cũng gặp không ít trở ngại.
Một vấn đề khác là việc sử dụng cơ sở vật chất sau khi sáp nhập. Theo khảo sát, hiện nay ở hầu hết các bản, xóm, tổ dân phố đều đã có nhà văn hóa, chỉ phù hợp với quy mô xóm, bản cũ. Khi số hộ tăng lên sau sáp nhập, các nhà văn hóa không đủ lớn để tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Việc đầu tư xây mới nhà văn hóa gặp khó khăn vì cần có diện tích phù hợp, trong khi hầu hết các xóm đã quy hoạch, chia đất hết cho dân; đồng thời cũng khó tuyên truyền, vận động bà con đóng góp tiếp do người dân vừa mới đóng góp xong.
Cùng với đó, một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến dẫn đến một số nơi người dân còn tâm lý lo ngại khi sáp nhập sẽ khó khăn, xáo trộn trong việc thay đổi giấy tờ có liên quan. Việc giải quyết những vấn đề phát sinh sau khi sáp nhập, việc kiện toàn, bố trí người hoạt động không chuyên trách sau khi sáp nhập ở một số bản còn chậm so yêu cầu.
Ông Lầu A Thào, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu cho biết: Qua khảo sát ý kiến về sáp nhập bản và sáp nhập các chi bộ, quần chúng nhân dân và đảng viên đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn gặp khó khăn khi tổ chức cơ cấu cán bộ. Nếu sáp nhập 4 bản sẽ phải bố trí Bí thư ở một bản, Trưởng bản ở một bản, đồng thời phải là những bản có số hộ đông nhất và phải là những người có trình độ, uy tín nhất định. Việc tìm được người đáp ứng tiêu chí như vậy là một thách thức không nhỏ.
Bên cạnh đó, theo thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ, điều kiện thành lập xóm, bản mới, tổ dân phố mới quy định ở vùng miền núi thôn phải có từ 200 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố phải có từ 300 hộ gia đình trở lên. Nếu đối chiếu các quy định của Bộ Nội vụ với đặc thù miền núi như tỉnh Sơn La, các huyện vùng cao, vùng biên giới đặc biệt khó khăn như Mường La, Bắc Yên hay huyện Sốp Cộp… rất khó đảm bảo theo các các tiêu chí được quy định.
Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thuận Châu Lường Thị Thanh Thủy, hiện nay, người dân miền núi nhiều nơi còn sinh sống rải rác, không tập trung. Trên thực tế, các bản, tiểu khu có rất ít hộ, thậm chí có những bản dưới 30 hộ; có những bản mang tính chất cục bộ do anh em, họ hàng di chuyển ra địa điểm mới để ở nên dân cư còn ít. Vì thế, việc thực hiện đề án này cần cả một quá trình lâu dài.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Sơn La, qua 3 đợt thực hiện, toàn tỉnh đã sáp nhập 1.066 bản thành 491 bản, giảm 575 bản. Tương ứng giảm khoảng 4.000 người hoạt động chuyên trách, người hưởng hỗ trợ và 2.800 người đứng đầu các tổ chức ở bản. Quá trình thực hiện sáp nhập còn những tồn tại như: Khi lấy ý kiến cử tri còn phải tiến hành nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ và thời gian thực hiện. Một số nơi tỷ lệ cử tri tán thành sáp nhập còn thấp. Ngoài ra, có bản sau khi sáp nhập, việc đặt tên còn quá dài, chưa rõ nghĩa và chưa phù hợp với lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc của bản trước khi sáp nhập.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La Trần Bình Minh cho biết, việc sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện chuẩn bị kết thúc bước đầu của giai đoạn 2018 - 2020.
Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện phần còn lại của đề án, dự kiến kết thúc vào năm 2025. Trước những khó khăn trong sáp nhập bản, tiểu khu, Sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh Sơn La chỉ đạo cấp huyện thành lập các tổ công tác đến những nơi sẽ sáp nhập để nắm bắt tình hình cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân, ghi nhận những khó khăn tại các bản sau khi sáp nhập ví dụ như đường giao thông, phong tục tập quán; từ đó, đưa ra các giải pháp để nhận được sự đồng thuận của người dân.