Đắk Nông: Thiếu giáo viên, nhiều nơi không dám gọi hết trẻ đến trường

Nhiều năm liên tục, tại huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. Để khắc phục tình trạng này, nhiều trường học phải huy động cả cán bộ quản lý xuống đứng lớp, trong khi đó, nhiều nơi không dám gọi học sinh đến trường cũng vì không đủ giáo viên.

Năm học 2019-2020, Trường Vừ A Dính có gần 1.300 học sinh, thiếu khoảng 18 giáo viên.
Năm học 2019-2020, Trường Vừ A Dính có gần 1.300 học sinh, thiếu khoảng 18 giáo viên.

Một trường thiếu 20 giáo viên

Là trường học có số lượng học sinh đông nhất tỉnh Đắk Nông, tuy nhiên chưa năm nào Trường tiểu học bán trú (THBT) Vừ A Dính (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long) có đủ giáo viên đứng lớp. Năm học 2018-2019, trường thiếu khoảng 20 giáo viên, buộc hiệu trưởng và hiệu phó phải tăng cường đứng lớp 4 buổi/tuần.

Tiếp tục, trong năm học 2019-2020, Trường THBT Vừ A Dính có gần 1.300 học sinh, chia thành 38 lớp học. Vì là trường nằm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc đối tượng chuyên biệt nên theo tính toán, trường sẽ thiếu 17-18 giáo viên. Trường Vừ A Dính tiếp tục là trường thiếu nhiều giáo viên nhất huyện Đắk G’long và tỉnh Đắk Nông.

Theo thầy Vũ Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường THBT Vừ A Dính, khoảng 90% học sinh của trường là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Mông. Phần lớn các cháu lại chưa được phổ cập giáo dục mầm non nên ngày đầu đến trường cũng là lần đầu tiên các cháu đi học.

Thiếu giáo viên, nhiều nơi không dám gọi hết trẻ đến trường - 2
Trường Tiểu học Vừ A Dính là trường có thiếu nhiều giáo viên nhất, buộc cán bộ quản lý cũng phải đi dạy

“Ngoài số học sinh trên địa bàn xã Đắk Som, trường còn tiếp nhận cả các cháu thuộc các cụm dân cư nằm sâu trong rừng của xã Đắk R’Măng. Các cháu chưa đi học lần nào, nên hàng năm nhà trường phải tập trung các cháu từ trung tuần tháng 8, triển khai “hai tuần không” (hai tuần không học) để các cháu làm quen. Công việc rất nhiều, rất vất vả vì phần lớn các cháu không biết tiếng Kinh nên nhà trường ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho khối học này, các khối khác vì thế mà xảy ra tình trạng thiếu giáo viên”, thầy Hiệp cho hay.

Thầy Hoàng Ngọc Yêm, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, giáo viên dạy môn chung, tức là làm cả công tác chủ nhiệm vẫn là thiếu nhiều nhất. Để khắc phục tình trạng này, năm học vừa rồi hiệu trưởng và hai hiệu phó phải trực tiếp đứng lớp, ít nhất là 4 buổi/tuần.

“Nhà trường chỉ hợp đồng ngắn hạn với hai giáo viên, còn khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng cách thầy cô trong giám hiệu trực tiếp đứng lớp… nhưng không được tính công. Tuy huy động tất cả cán bộ, giáo viên đứng lớn, song năm học vừa qua, trường cũng chỉ thực hiện học 2 buổi/ngày cho một số cấp học. Năm học này cũng chưa biết cách nào để khắc phục tình trạng trên, trước mắt thì ban giám hiệu vẫn tiếp tục đứng lớp”, thầy Yêm cho hay.

Thiếu giáo viên, nhiều nơi không dám gọi hết trẻ đến trường - 3
Vì thiếu giáo viên nên cán bộ quản lý của trường mầm non Hoa Lan phải xuống quản lớp

Nhiều năm nay, Trường mầm non Hoa Lan (xã Đắk R’Măng, huyện Đắk G’Long) cũng là một trong những đơn vị thiếu giáo viên nhiều nhất của huyện. Vào đầu mấy năm học trước, trường có 9 lớp nên mỗi cán bộ, giáo viên phải phụ trách từ 2-4 lớp. Năm nay trường cũng chỉ có 3 biên chế giáo viên, phải phụ trách 12 lớp, tức mỗi cô đảm nhận 4 lớp học, trên dưới 100 cháu.

Cô Dương Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Lan cho biết: “Khó khăn lớn nhất của trường hiện nay là có đến 4 phân hiệu, trong khi giáo viên lại thiếu quá nhiều. Theo quy định, trường hiện thiếu 21 giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, trường cũng không dám mơ đến việc đủ 2 giáo viên/lớp mà chỉ mong được bố trí đủ 1 giáo viên/lớp. Không có giáo viên nên đầu năm học, trường sẽ phải huy động hết nhân lực kể cả cán bộ quản lý, nhân viên đều phải đứng lớp, cầm cự, đợi điều động thêm giáo viên về".

Không dám huy động hết trẻ đến trường!

Qua thống kê của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Đắk G’Long, năm học 2019-2020, toàn huyện có 5.632 trẻ trong độ tuổi đến trường. Những năm học trước, chỉ tăng khoảng 1.000 trẻ nhưng năm nay tăng gấp đôi, với gần 2.000 trẻ. Vì thiếu cơ sở vật chất và giáo viên nên huyện chỉ có thể huy động được khoảng 4.000 trẻ đến trường. Như vậy sẽ có khoảng hơn 1.600 trẻ trong độ tuổi sẽ không được đến trường.

Thiếu giáo viên, nhiều nơi không dám gọi hết trẻ đến trường - 4
Nhiều trẻ sống tại vùng khó khăn vẫn chưa được phổ cập giáo dục mầm non

"Dẫu biết là quyền lợi của trẻ nhưng chúng tôi bất lực, không dám huy động hết trẻ đến lớp, chỉ ưu tiên trẻ 5 tuổi để duy trì phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiếp đến mới ưu tiên trẻ 4 tuổi”, ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện chia sẻ.

Thiếu giáo viên, nhiều nơi không dám gọi hết trẻ đến trường - 5
Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng không dám gọi hết các em đến trường vì không đủ giáo viên dạy học

Cũng theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long, tại nhiều vùng khó khăn, không có trường lớp, không có giáo viên nên các cháu cũng không được phổ cập mầm non, đến tuổi thì vào học lớp 1 luôn. Toàn huyện hiện thiếu 450 giáo viên từ bậc mầm non đến THCS. Trong đó, bậc mầm non thiếu nhiều nhất với hơn 306 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 88 giáo viên và bậc THCS thiếu 46 giáo viên.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long cho biết, hiện nay địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng mới thêm 80 phòng học các cấp nên áp lực thiếu phòng học sẽ giảm hơn. Tuy nhiên, nan giải nhất là tình trạng thiếu giáo viên.

Thiếu giáo viên, nhiều nơi không dám gọi hết trẻ đến trường - 6
Hiện tại tỉnh Đắk Nông, thiếu nhiều nhất vẫn là giáo viên mầm non

Với bậc học mầm non, dự kiến từ nguồn biên chế Bộ Nội vụ cấp, huyện sẽ được tăng cường một lượng giáo viên, nhưng khả năng cũng không thể đáp ứng được. Đối với bậc tiểu học tăng gần 700 học sinh, Phòng có giải pháp bố trí những trường có lớp 1, lớp 2. Đối với những trường ở vùng dân cư có điều kiện khá giả thì huy động xã hội hóa. Sau khi xã hội hóa được, số giáo viên dôi dư sẽ tăng cường cho các trường đang thiếu giáo viên ở vùng khó khăn hơn.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ