Bão WIPHA tiếp tục mạnh lên, có khả năng ảnh hưởng đến đất liền

GD&TĐ - Bão WIPHA dự kiến sẽ tiếp tục mạnh lên cấp 12 và có khả năng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam vào khoảng ngày 21/7.

Dự báo hướng đi của bão WIPHA.
Dự báo hướng đi của bão WIPHA.

Sáng sớm 18/7, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông mạnh lên thành bão (tên quốc tế là WIPHA).

Vào lúc 13h ngày 18/7, vị trí tâm bão WIPHA ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 123,5 độ Kinh Đông. Tâm bão đang trên vùng biển phía Đông đảo Ludong Philippines; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h và tiếp tục mạnh lên.

Tới sáng 19/7, bão WIPHA đi vào Biển Đông với cường độ mạnh nhất (cấp 12 (ở khu vực phía Đông bán đảo Lôi Châu).

Tới sáng 21/7 bão chuyển vào Vịnh Bắc Bộ. Tới khoảng tối đến đêm 21/7 có khả năng bắt đầu ảnh hưởng đất liền nước ta.

Từ 21/7-24/7, xảy ra một đợt mưa to đến rất to trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ cần, người dân cần theo dõi diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Tăng cường thông tin về diễn biến của bão, mưa lũ đến các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với công trình cầu, cảng; các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ.

Sẵn sàng các biện pháp, chủ động gia cố nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống lưới điện, viễn thông trường hợp bão đổ bộ.

Sẵn sàng biện pháp và tranh thủ triều để tiêu nước bảo vệ sản xuất nông nghiệp; chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.

Khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua; kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để chủ động triển khai khi có sự cố, tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang thi công; sẵn sàng vận hành điều tiết hồ chứa và đảm bảo an toàn hạ du, nhất là các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (hồ Thác Bà gần đạt mực nước phải điều tiết xả lũ).

Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; chính quyền cấp xã chỉ đạo lực lượng liên quan thông báo tới từng hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ