Dù trời nắng nóng thế nào cũng chỉ cho trẻ đi bơi tắm trong thời gian hạn chế và không đi ngâm tắm trong thời gian buổi trưa còn nóng. Chỉ nên cho trẻ đi tắm vào thời điểm thích hợp như buổi sáng hoặc chiều mát. Chọn những địa điểm an toàn, bảo đảm mọi quy định, tuyệt đối không cho trẻ đến tắm những điểm tự phát, những nơi nguồn nước ô nhiễm.
Việc ăn uống cũng cần lưu ý cho trẻ. Hạn chế cho trẻ dùng quá nhiều đá vì không tốt cho sức khỏe, ngoài ra trẻ còn dễ mắc các bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, ho, cảm lạnh...
Nên cho trẻ sử dụng các loại nước ép hoa quả tự làm tại nhà, các loại nước đậu như đậu xanh, đậu đen. Không cho trẻ ăn uống thức ăn ngoài phố vì với thời tiết nắng nóng các loại thức ăn này rất dễ bị nhiễm khuẩn, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, đau bụng,dạ dày... Hạn chế ăn kem lạnh, hạn chế uống nước đá, nước lạnh.
Việc cho trẻ dùng các trang thiết bị làm lạnh như điều hòa, quạt, quạt nước phải hợp lý. Không dùng điều hòa ở mức quá thấp, nên điều chỉnh nhiệt độ 26 đến 28 là vừa phải và cũng không sử dụng thời lượng quá lâu dễ gây các bệnh về hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
Khi sử dụng quạt máy cũng không quay quạt thổi trực tiếp vào mặt trẻ, nhất là hạn chế việc dùng quạt phun nước có thể gây nguy hiểm cho trẻ, trẻ dễ bị nhiễm lạnh, viêm phổi. Trong thời tiết nắng nóng cũng không nên cho trẻ nằm dưới nền nhà lạnh.