Điều này gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đến tư duy, tâm lý, thậm chí tính mạng.
Bắt chước, làm theo
Ngày 15/12/2024, 7 học sinh trong độ tuổi từ 7 - 14 tuổi (Phú Cần, Krông Pa, Gia Lai) đang đốt pháo tự chế thì bị lực lượng công an tuần tra bắt gặp. Qua xác minh, công an xã Phú Cần đã thu giữ 2,9 kg hóa chất và một số vật dụng chế tạo pháo nổ tại nhà của em T.H.H.Đ (12 tuổi).
Đ. cho biết, em lên Tik Tok thấy có một trang bán đồ để chế tạo pháo nên đặt mua. Còn công thức làm pháo thì tìm hiểu trên Tik Tok và YouTube. Đ. mua 2 đợt với khoảng 450.000 đồng từ khoản tiền ăn sáng tiết kiệm được. “Em chế tạo pháo rồi rủ các bạn đến đốt pháo cho vui. Em chế tạo để dành giao thừa đốt nữa”, Đ. kể.
Trong suốt quá trình em Đ. chế tạo pháo tại nhà và đốt pháo, cha mẹ không hề hay biết. Chị H.T.M, mẹ của em T.H.H.Đ nói: “Vợ chồng đi làm cả ngày, không để ý tới con. Biết Đ. chế tạo pháo, tôi cũng hoảng hồn. Tôi định không cho con tiếp xúc với điện thoại một thời gian để phạt”.
Trước đó ít ngày, cũng tại xã Phú Cần, huyện Krông Pa xảy ra một vụ tai nạn liên quan đến trẻ em làm pháo tự chế. Trong quá trình trộn hóa chất, nhồi thuốc, pháo tự chế nổ đã làm dập nát bàn tay trái của một em nhỏ.
Từ đầu năm 2024 đến nay, ngoài các vụ việc kể trên, Gia Lai có 15 trẻ bị tai nạn thương tích do chế tạo pháo nổ. Đau lòng nhất, vào khoảng 10 giờ 30 ngày 8/12/2024, em N. (học sinh lớp 8, Chư Sê, Gia Lai) chế tạo pháo trong phòng ngủ thì xảy ra nổ khiến nạn nhân bị đa chấn thương vùng mặt, vùng trán, được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Học theo những clip trên mạng khiến không ít trẻ rơi vào tình huống nguy hiểm. Tháng 10/2020, bé gái 5 tuổi tại TP Hồ Chí Minh đã tử vong vì học theo những video hướng dẫn trên mạng. Theo chia sẻ của người nhà, bé V.T.D học theo trò chơi treo cổ trên YouTube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình.
Khi được người nhà phát hiện, bé đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng bé gái 5 tuổi đã ra đi mãi mãi. Chia sẻ câu chuyện của gia đình lên mạng xã hội, người dì của bé D. nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh hãy luôn để mắt tới trẻ, tránh xa các video bạo lực tràn ngập trên mạng xã hội để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Trước đó, vào tháng 11/2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, Nhà Bè, TP HCM) cũng làm theo trò “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên YouTube. May mắn được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên bé K. giữ được tính mạng. Khi gia đình hỏi chuyện, bé K. cho biết đã nhiều lần xem trò chơi “chết đi sống lại” trên mạng. Trong video đó, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn thở được nên bé đã làm theo.
Con trai chị N.D.Q - học lớp 8 trường THCS trên địa bàn quận Thanh Khê (Đà Nẵng) vừa kết thúc đợt trị liệu vì rối loạn giấc ngủ do sử dụng Internet quá nhiều. Chị Q. kể, qua phản ảnh của thầy cô giáo và theo dõi các biểu hiện ở nhà thì thấy cháu bị mất ngủ liên tục, không tập trung học bài và thường xuyên đau đầu.
“Bố mẹ đều bận đi làm, không chủ động đưa đón cháu đi học được, nên mục đích ban đầu là sắm điện thoại để tiện cho việc nhờ xe ôm gần nhà. Nhưng rồi thấy cháu suốt ngày xem điện thoại, lướt Facebook, chat với nhóm bạn”, chị Q. kể. Dù gia đình dùng nhiều cách để giảm thời gian dùng điện thoại nhưng không cải thiện nhiều, chị Q. quyết định đưa con đi khám và điều trị tại Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng.
Bạo lực học đường kiểu mới
Ngoài những hành vi lệch chuẩn của giới trẻ do ảnh hưởng từ mạng xã hội, bắt nạt học đường đang dịch chuyển sang không gian mạng với những diễn biến khó lường.
Thầy Nguyễn Đình Hòa - Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) kể về trường hợp một học sinh có dấu hiệu trầm cảm do bị xúc phạm, lăng mạ trên mạng xã hội. Học sinh này vừa chuyển lớp, học rất khá và thường xuyên phát biểu xây dựng bài cũng như tích cực trong mọi hoạt động.
Cũng vì thế, em bị các bạn trong lớp gièm pha, cho rằng muốn “chơi trội”. Từ những câu nói cạnh khóe trong giờ ra chơi, đầu giờ học… đến những bình luận “nặng nề” trên mạng xã hội, em dần bị cô lập, không có bạn chơi cùng, cũng không còn tham gia các hoạt động của lớp…
Thầy Hòa phải động viên em rất nhiều, đồng thời nói chuyện với học sinh trong lớp để tìm hiểu vấn đề nhằm khuyên răn và kết nối các em hiểu nhau hơn. “Nếu đánh nhau thì dễ phát hiện và có thể được ngăn chặn kịp thời. Còn bạo lực thông qua trêu chọc, lăng mạ thì nguy hiểm hơn nhiều bởi nó ngấm ngầm, ảnh hưởng nặng nề về tinh thần và khó phát hiện ngay. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ phía gia đình, nhà trường dễ xảy ra hậu quả xấu”, thầy Hòa nói.
Cách đây vài năm, một nữ sinh lớp 11 (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã để lại bức thư tuyệt mệnh với nội dung con xin lỗi bố mẹ rồi tự tử ở ao trong nhà. Nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng của nữ sinh này được cho có clip ghi lại cảnh em và bạn trai trong lớp hôn nhau và bị phát tán trên mạng xã hội. Clip này đã thu hút hàng triệu lượt xem kèm theo nhiều bình luận ác ý.
Một cuộc khảo sát hơn 800 học sinh tại 7 trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng để thực hiện đề tài khoa học cấp sở cho thấy, gần 94% học sinh truy cập Internet hằng ngày, trong đó 85,5% phục vụ việc học tập; 86,1% nghe nhạc, tìm kiếm thông tin chiếm 82,4%, chơi game chiếm 70%, xem phim 77%, nói chuyện, chat với người khác chiếm 83%...
“Thực trạng khảo sát còn cho thấy, có 24,6% học sinh được đánh giá nghiện Internet, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, cụ thể là trầm cảm, lo âu, giảm kỹ năng giao tiếp, phát triển của các em. Chưa kể, nhiều hệ lụy về nhận thức, hành động lệch lạc, bắt chước lối sống không lành mạnh khác”, ThS tâm lý Đàm Kim Nga - khoa Tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng) thông tin.
Sở GD&ĐT Quảng Nam vừa có công văn yêu cầu các trường học tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh. Theo đó, qua nắm tình hình của Công an tỉnh Quảng Nam, có tình trạng một số học sinh lên các trang mạng xã hội mua búp bê Kumathong về nhà thờ cúng, mua bánh kẹo, sữa và các loại nước ngọt “cho ăn” nhằm mục đích cầu may và học giỏi.
Những đối tượng xấu đã lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin, sự hiếu kỳ, thiếu hiểu biết để dẫn dụ, lôi kéo các em tin theo và mua búp bê. Đây là hoạt động mê tín dị đoan nguy hiểm, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, tạo hệ lụy xấu cho học sinh, gia đình và xã hội.