Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Nhiều lực lượng cùng chung tay

GD&TĐ - Sự chung tay của các lực lượng xã hội trong việc trang bị cho học sinh những kỹ năng an toàn trên môi trường mạng đóng vai trò quan trọng...

Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) giao lưu với diễn giả Đỗ Thái Đăng về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Ảnh: Đình Tuệ
Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) giao lưu với diễn giả Đỗ Thái Đăng về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn. Ảnh: Đình Tuệ

Nhiều giải pháp thiết thực

Với hơn 1.000 học sinh, cô Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội) nhìn nhận, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ học sinh khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Trong đó, tăng cường giáo dục bằng việc tổ chức các buổi học chuyên đề về an toàn mạng, nhận diện thông tin giả mạo, cách xử lý khi bị quấy rối trực tuyến.

Lồng ghép kiến thức an toàn mạng vào chương trình học chính khóa, đặc biệt trong môn Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhà trường có quy định rõ ràng việc sử dụng thiết bị điện tử, mạng Internet trong trường học. Hạn chế sử dụng điện thoại, trừ giờ học mà giáo viên yêu cầu sử dụng.

Đồng thời, thiết lập chính sách bảo mật thông tin cho học sinh khi sử dụng các nền tảng trực tuyến của nhà trường. Hướng dẫn học trò kỹ năng xử lý tình huống, cách bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ mật khẩu hoặc thông tin nhạy cảm lên mạng xã hội, nhất là người chỉ quen biết trên mạng. Dạy các em cách báo cáo và xử lý khi gặp rủi ro, như bị quấy rối, lừa đảo hoặc bắt nạt trực tuyến.

Cô Huyền cho rằng, ngoài thầy cô thì vai trò phối hợp của phụ huynh và các lực lượng xã hội khác cũng quan trọng.

“Chúng tôi xây dựng đội ngũ hỗ trợ tâm lý và công nghệ thông tin để học sinh có thể liên hệ khi gặp vấn đề trên mạng. Phổ biến các kênh liên lạc với cơ quan chức năng hoặc tổ chức chuyên môn để giải quyết kịp thời các sự cố. Tập huấn giáo viên về các rủi ro trên không gian mạng và hướng dẫn học sinh sử dụng mạng an toàn. Giáo viên thường xuyên cập nhật kiến thức để hỗ trợ học trò trong các vấn đề liên quan đến công nghệ”, cô Huyền trao đổi.

Qua tiếp xúc hằng ngày, cô Tạ Thị Vui - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) từng gặp trường hợp vô tình tiếp cận trang web không lành mạnh dẫn tới có lời ăn, tiếng nói không phù hợp tuổi học trò; có nhiều cạm bẫy, lừa đảo nhằm vào đối tượng trẻ em khi sử dụng mạng xã hội.

Vì vậy, để bảo vệ trẻ an toàn trên không gian mạng, theo cô Vui, cần sự chung tay vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Cần cung cấp cho trẻ những kiến thức cơ bản về không gian mạng; rèn kỹ năng, hướng dẫn các em nhận thức đúng đắn, tạo thói quen sử dụng mạng xã hội, Internet lành mạnh nhằm phục vụ nhu cầu chính đáng của bản thân như nghiên cứu, học tập.

“Những việc làm này, nhà trường đã và đang thực hiện từng bước để hình thành kỹ năng “công dân số”. Giáo viên thường phối hợp với phụ huynh khi giao việc cho các trẻ ở nhà như tìm kiếm thông tin chuẩn bị bài học ngày hôm sau trong khoảng 30 phút; họp trực tuyến để làm bài tập nhóm trước khi báo cáo trên lớp... Thầy cô vẫn đảm bảo được việc tạo điều kiện cho học sinh tham gia môi trường mạng nhưng với động cơ đúng đắn”, cô Vui nêu rõ.

bao-ve-tre-em-tren-khong-gian-mang1.jpg
Thầy trò Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội) trong một hoạt động tuyên truyền pháp luật tại trường. Ảnh: Đình Tuệ

Trang bị “lá chắn” cần thiết

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Đỗ Thái Đăng - Giám đốc Công ty Giáo dục Nhân tài Đất Việt cho biết, khi sử dụng Internet, trẻ có nhiều cơ hội học tập và phát triển như học trên YouTube, sử dụng Chat GPT, làm slide và thiết kế với canva, tham gia nhiều cuộc thi online thú vị, giải trí để cân bằng, kết nối với bạn bè để sẻ chia. Các em còn được thể hiện, khẳng định giá trị bản thân.

Dù vậy, môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức nếu trẻ dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo, nghiện game, xem những nội dung không lành mạnh, sử dụng xuyên đêm, ảnh hưởng tới sức khỏe, kết bạn và vội vàng hẹn hò, cho địa chỉ gia đình nên đã có trường hợp xảy ra hậu quả đáng tiếc. Nhiều em nhận thức nhầm lẫn mạng xã hội như nhật ký cá nhân nên cái gì cũng đưa lên.

Đặc biệt, có em còn mạo hiểm tính mạng để quay các video nguy hiểm như đánh nhau, chửi tục, đua xe… để “câu view”. Lúc nhận được những cảm xúc, bình luận tiêu cực dễ sinh ra cảm giác thất vọng và mất tinh thần học tập. Khi bị xâm hại hoặc bắt nạt trên mạng, nhiều em có tư duy sai là giấu giếm và không nói với ai mà âm thầm chịu đựng.

Theo vị chuyên gia, không ít bậc cha mẹ có nhận thức, trẻ đã có đủ chín chắn để nhìn nhận sâu sắc và đa chiều về các sự kiện xảy đến, nhưng thực tế là chưa. Các em rất cần cha mẹ đồng hành, không phán xét, chia sẻ cách tư duy phản biện về một vấn đề, cách đặt mình vào vị trí người khác khi đi trêu chọc, cách nhìn nhận hậu quả của việc mình làm.

Cha mẹ cần dành thời gian lắng nghe và quan sát những dấu hiệu bất ổn ở trẻ. Gia đình phải có quy tắc về việc sử dụng thiết bị mạng. Ví dụ, chỉ được dùng sau khi làm xong, trước một tiếng đi ngủ không dùng điện thoại và phải để vào hộp tự giác để tránh sử dụng xuyên đêm; không sử dụng điện thoại khi ăn cơm, thực hành những thói quen như đọc sách.

Trẻ hành xử sai bởi chưa được giáo dục hoặc chưa thấm sâu. Nhà trường cần đào tạo cho các em những nguyên tắc sử dụng mạng như thời gian giới hạn mỗi ngày, sử dụng trước giờ nào, những hành vi nên tránh, hành vi đúng đắn, loại nội dung nào được truy cập, không nên chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng, cần trao đổi ngay với bố mẹ hoặc thầy cô khi gặp bất cứ vấn đề gì trên mạng.

“Thầy cô cho học sinh làm các dự án và thuyết trình; lồng ghép nội dung sử dụng mạng xã hội an toàn vào các tiết dạy; chia sẻ để cha mẹ có kiến thức, kỹ năng đồng hành với trẻ, nêu các tấm gương về tình bạn đẹp.

Chìa khóa thực sự để bảo vệ các em chính là sự tỉnh táo chứ không hẳn cấm đoán. Trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ tự nhận thức, bảo vệ cũng như sự đồng hành, làm gương để chia sẻ và hỗ trợ kịp thời rất quan trọng”, ông Đỗ Thái Đăng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ