Đó là những trăn trở của các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh tại Hội thảo “Chung tay bảo vệ bản quyền tác giả” vừa qua tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.
Tràn ngập web lậu
Công nghệ càng phát triển thì việc bảo vệ tác quyền càng khó khăn hơn. Các website phân phối nội dung bất hợp pháp xuất hiện ngày càng nhiều, những thủ đoạn ăn cắp bản quyền ngày càng tinh vi hơn, do đó cách bảo vệ bản quyền hiện nay không hề đơn giản.
Tại Hội thảo, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc BHD thừa nhận, công việc bảo vệ bản quyền phim chưa bao giờ dễ dàng. “Phim nước ngoài 30 - 40% doanh thu đến từ rạp chiếu, còn lại đến từ rất nhiều hình thức kinh doanh khác. Nhưng phim chiếu rạp của Việt Nam mà bị vi phạm bản quyền coi như lỗ, vì đâu còn nguồn thu nào khác”.
Bà Phạm Thanh Thủy - người phụ trách các vấn đề về bản quyền của Kênh truyền hình K+ chia sẻ: “Có những bộ phim vừa ra rạp hôm trước thì hôm sau đã thấy có người quay lại và tung lên mạng, dù chất lượng không tốt nhưng cũng thu hút rất nhiều lượt xem trên các trang phim online không có bản quyền. Người xem không biết rằng xem những sản phẩm như vậy, rất có thể máy vi tính, điện thoại của họ đã bị phần mềm độc hại xâm nhập”.
Mặc dù thời gian qua, các Công ty như Galaxy, BHD đã cung cấp các gói phim có bản quyền trên truyền hình Internet với giá cả hợp lý, để những người không có điều kiện ra rạp có thể xem lại ở nhà với chất lượng tốt, thay vì truy cập web lậu. Thế nhưng, nhiều người dùng tại Việt Nam vẫn chấp nhận xem những bản phim quay trộm trong rạp chất lượng hình ảnh, âm thanh tồi. Chính thái độ dễ dãi của người dùng hiện nay đang là “động lực” lớn của trang web lậu phát triển.
Hành trình dài - cần sự chung sức
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Susan Lee, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) cho hay, nạn vi phạm bản quyền trên mạng đòi hỏi chúng ta không thể làm việc một mình. Với MPA, chúng tôi ưu tiên làm việc với cơ quan Nhà nước và các đối tác trong việc ban hành các văn bản pháp luật nhằm chống lại nạn vi phạm bản quyền.
Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, bảo vệ bản quyền tác giả là vấn đề lâu dài. Việt Nam đi sau nhiều quốc gia về vấn đề này, nên rất cần học hỏi kinh nghiệm của họ. Hơn nữa, đây là sự liên kết hỗ trợ hai chiều, bản thân các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc… cũng thấy cần thiết phải hợp tác với Việt Nam trong bối cảnh nhiều tác phẩm của họ đang bị xâm phạm bản quyền ở nước ta... Tuy nhiên, muốn kéo người dùng xa rời các trang web lậu, thì phải cung cấp cho họ dịch vụ tương tự, có bản quyền và giá cả phải chăng.
Ông Ngô Huy Toàn - Trưởng phòng Thanh tra - Báo chí Xuất bản (Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, việc xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường mạng khó khăn và là một cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi nhiều đơn vị phải hợp tác chặt với nhau để xử lý. Đa số những trường hợp giải quyết vi phạm bản quyền trên Internet rất khó vì người vi phạm ẩn giấu danh tính nên có khi thanh tra phải phối hợp với công an mới tìm được đối tượng vi phạm. Cuộc chiến bảo vệ bản quyền tác giả là một hành trình rất dài, đòi hỏi các đơn vị liên quan tại Việt Nam chung sức thực hiện bằng nhiều giải pháp.