Khánh Hòa: Sạt lở gây ắc tắc giao thông
Theo báo cáo nhanh của các địa phương sáng 26/11, thiệt hại sơ bộ của tỉnh Khánh Hòa do hoàn lưu bão số 9 chủ yếu về giao thông, chưa ghi nhận trường hợp nào thiệt mạng. Cụ thể, tại Quốc lộ 1C, đường 2/4, đất đá sạt lở lấp rảnh dọc bên phải tuyến gây khó khăn cho giao thông. Quốc lộ 27B cũng bị sạt lở vách núi, tuy nhiên đã được hốt dọn, giao thông trở lại bình thường.
Sạt lở vách núi làm tắc đường cả 2 chiều tại Đại lộ Nguyễn Tất Thành, hướng Nha Trang - Cam Ranh và ngược lại. Còn tại tỉnh lộ 9, mưa lớn làm sạt lở nặng mái taluy âm nền đường dẫn đến tắc giao thông 2 chiều hoàn toàn, có hố sâu đến 2 m.
Đèo Khánh Lê, tuyến đường duy nhất đi từ Cam Ranh đến huyện miền núi Khánh Sơn cũng bị sạt lở, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết, trong đêm 24 và cả ngày 25/11, nhiều tuyến đường trên TP và các xã xung quanh ngập nặng gây thiệt hại lớn về tài sản. Ngoài ra, mưa lũ đã làm sập 2 ngôi nhà trên đảo Bình Ba, cuốn trôi nhiều tài sản của người dân nơi đây. Còn tại phường Cam Nghĩa, nước lũ tràn về nhanh làm chết nhiều heo và gia cầm của một số hộ dân.
Còn tại xã Cam Lập, nước lũ đã làm hư hỏng, cuốn trôi gần 50m đoạn đường nối giữa 2 thôn Bình Lập và thôn Nước Ngọt khiến hàng trăm hộ dân ở 2 thôn này bị cô lập hoàn toàn. Bên cạnh đó, đã có khoảng 45 hộ trên địa bàn xã Cam Lập bị mưa lớn tràn về làm vỡ bờ và cuốn trôi hết tôm ốc trong khoảng 60 ao nuôi hải sản của các hộ dân.
Mưa lũ cũng đã khiến 500 người dân thuộc địa bàn xã Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông phải rời bỏ nhà cửa do nước ngập sâu trên nửa mét. Do nước có khả năng dâng cao, gây chia cắt nhiều khu dân cư nên chưa thể thống kê được thiệt hại về tài sản trong nhân dân.
Sáng 26/11, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa đã cử 100 cán bộ chiến sĩ phối hợp với Lữ đoàn Công binh 293, Đội cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khu vực Cam Ranh dọn dẹp hàng tấn bùn đất do mưa lũ để lại tại các trường học trên địa bàn TP Cam Ranh. Ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 9, đồng thời khắc phục tắc nghẽn một số tuyến đường tỉnh lộ.
|
Đông Nam Bộ: Thiệt hại ở mức thấp nhất
Địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất của bão số 9 là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Ninh Thuận. Tuy nhiên, báo cáo nhanh từ 3 địa phương này cho thấy không có thiệt hại về người, số nhà dân bị đổ sập hoàn toàn không quá nặng nề. Cụ thể, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 25 căn nhà bị đổ, sập; Bình Thuận là 19 căn; Ninh Thuận chỉ có một căn.
Thiệt hại về tài sản chủ yếu tập trung ở các tỉnh ven biển. Cụ thể tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 4 tàu bị sóng đánh chìm, Bình Thuận là 38 chiếc, Ninh Thuận là 2 chiếc. Số lồng, bè nuôi trồng hải sản bị đánh chìm, phá hủy của 3 tỉnh là 99. Trong đó, Ninh Thuận nhiều nhất với 97 lồng, bè. Diện tích lúa bị ngập, hư hỏng của 3 tỉnh là 710 ha (Ninh Thuận: 650ha; Bình Thuận: 50h, Bà Rịa -Vũng Tàu: 10ha). Diện tích hoa màu bị ngập nặng nề nhất là Ninh Thuận với 288 ha.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các địa phương, tính đến 6 giờ sáng 26/11, bão Usagi (bão số 9) làm 1 người chết tại TPHCM do cây đổ, 51 nhà bị hư hỏng, 46 thuyền bị chìm, hỏng; 99 lồng bè nuôi hải sản bị chìm, 10.200ha lúa, màu bị ngập; 2 vị trí đường sắt bị sự cố (Ninh Thuận); 1.500m đường quốc lộ bị ngập (Bình Dương); 170m đường tỉnh lộ bị sạt lở hư hỏng (Khánh Hòa, Ninh Thuận); 2.663m đê, kè bị sạt lở, hư hỏng và 120 cây xanh bị gãy đổ…
Đánh giá sơ bộ về công tác phòng chống bão, một cán bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Thiệt hại do bão số 9 gây ra đã được hạn chế ở mức thấp nhất. Một phần do sự chủ động ứng phó của tỉnh, người dân, phần nữa đến từ sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc di dân. “Chính sự huy động đồng loạt các lực lượng với đủ mọi phương tiện để lo cho dân, “bằng tất cả các biện pháp” từ tỉnh đến xã, phường với sự chủ động từ người dân trong phòng chống bão với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương tiện tại chỗ) thiệt hại đã được giảm ở mức tối đa. Đặc biệt, trước bão, toàn tỉnh đã sơ tán hơn 160.000 người tại các nơi bị ảnh hưởng của bão, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người” - vị cán bộ trên cho biết.
Sau bão số 9, TPHCM là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng; ngập sâu ở nhiều nơi. Đặc biệt, đây cũng là địa phương duy nhất ghi nhận một trường hợp tử vong do bị cây đổ trúng ở huyện Bình Chánh. Ngoài ra, có 2 căn nhà bị bão làm đổ sập, khoảng gần 20 cây lớn bị gió giật gãy, đổ.
Trước bão hai ngày, ngoài lệnh cấm biển với ngư dân Cần Giờ, UBND TPHCM cũng đã tiến hành di tản hơn 4.000 người dân về 28 điểm trú tránh bão an toàn, đồng thời cắt cử một Phó Chủ tịch UBND TP ăn, ở túc trực ngay tâm bão cùng người dân.
Thiệt hại của TPHCM sau bão số 9 đáng kể nhất phải là tình trạng ngập úng quá nặng trên diện rộng. Rất nhiều người dân ở các quận huyện như: Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp bị hư hại tài sản do nhà bị ngập sâu trong nước.
|
Đường sắt Bắc - Nam tê liệt
Ảnh hưởng của bão Usagi gây ra tình trạng tắc nghẽn không lưu. Hàng loạt chuyến bay đến TPHCM phải lượn nhiều vòng chờ hạ cánh. Các chuyến bay nội địa đồng loạt thông báo trễ giờ. Hàng nghìn người phải vạ vật ở khu vực sảnh chờ sân bay Tân Sơn Nhất. Không những thế, tuyến đường sắt ở Ninh Thuận cũng bị hỏng do mưa bão, các chuyến tàu không thể đi qua khiến 2.500 khách bị kẹt tại ga Nha Trang nhiều giờ. Mưa bão khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn từ ga Kà Rôm đến ga Phước Nhơn bị xói mòn, sạt lở gần 100 điểm. Đến 17 giờ ngày 25/11, Công ty Quản lý Đường sắt Thuận Hải vẫn đang khắc phục đoạn đường sắt đi qua địa bàn xã Công Hải, huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) bị nước lũ tàn phá hư hỏng nặng, làm giao thông đường sắt Bắc - Nam tê liệt trong hơn 30 giờ.
Trước những diễn biến bất thường của cơn bão, việc chuẩn bị ứng phó từ phía các ngành hữu quan được đánh giá khá tốt. Ngay từ lúc áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có Công điện gửi các tỉnh, thành phố, khu vực chịu ảnh hưởng và các bộ, ngành chỉ đạo tập trung ứng phó với bão và mưa lũ sau bão.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 64.645 tàu thuyền và 19.977 lồng bè biết thông tin và diễn biến của bão để tránh trú và chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn. 9 tỉnh, thành phố ven biển từ Khánh Hòa đến Trà Vinh và tỉnh Bạc Liêu đã ban hành lệnh cấm biển, 7 tỉnh, thành phố thực hiện sơ tán dân với tổng số 105.023 người, trong đó: Khánh Hòa 14.554 người; Ninh Thuận 312 người; Bình Thuận 1.882 người; Bà Rịa - Vũng Tàu 28.250 người (sơ tán tập trung: 8.648 người, sơ tán tại chỗ: 19.602 người); TPHCM 4.476 người; Tiền Giang: 31.050 người; Bến Tre: 24.499 người (sơ tán tập trung: 4.184 người, sơ tán tại chỗ: 20.315 người).
Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, công tác dự báo của bão Usagi là khá tốt, dẫu cơn bão có những biến chuyển khó lường. Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, bão ít ảnh hưởng đến vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ nên đồng bào nảy sinh tâm lý chủ quan. Trong khi đó, nhà ở của nhân dân vùng này đa số là ít kiên cố nên khi gặp bão thiệt hại sẽ không hề nhỏ. Dù vậy, do công tác dự báo tốt và sơ tán người dân trong vùng ảnh hưởng kịp thời nên thiệt hại về người và của được giảm nhẹ.