Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), sau khi đổ bộ vào các tỉnh từ Bà Rịa -Vũng Tàu đến Bến Tre với sức gió mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10, bão số 9 đã sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền theo hướng Tây Tây Bắc và tan dần.
Tuy nhiên, hoàn lưu sau bão đã và sẽ tiếp tục gây mưa lớn ở khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 80 - 130mm. Dự báo, ngày 26/11, do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ bão số 9 nên các tỉnh miền Đông Nam Bộ và phía Nam của Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30 - 70mm, có nơi trên 100mm.
Đến sáng 26/11, nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL trời âm u, mưa giông nhiều nơi. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các địa phương, đến hiện tại chưa ghi nhận thiệt hại về người.
Do có sự chủ động phòng chống nên khi bão vào đất liền không gây ra thiệt hại về người và tài sản. Tỉnh Bến Tre đã tiến hành di dời, sơ tán 24.000 hộ dân đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng đã liên lạc tổng số 3.106 phương tiện hoạt động trên biển, với 17.536 người.
Tại tỉnh Tiền Giang lực lượng chức năng kêu gọi toàn bộ 374 phương tiện đánh bắt ven bờ vào nơi tránh trú bão an toàn; khoảng 1000 phương tiện đánh bắt xa bờ khác của tỉnh đều hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão và giữ liên lạc thường xuyên với đất liền.
Tại tỉnh Trà Vinh, lực lượng chức năng đã liên lạc với tất cả các tàu hoạt động trên biển để thông báo tình hình, diễn biến của bão số 9 đến tất cả các chủ tàu. Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các sở ban ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác chủ động ứng phó với cơn bão số 9.
Đến sáng 26/11, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, các tỉnh ĐBSCL chỉ chịu ảnh hưởng bởi vùng áp thấp nên các địa phương đã cho học sinh đi học trở lại bình thường.