Nghị định quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, trên lãnh thổ Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2019. Nghị định số 109/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2003 của Chính phủ về Bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Đất ngập nước có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của loài người nhờ các chức năng: Nạp, tiết nước ngầm; lắng đọng trầm tích, độc tố; tích luỹ chất dinh dưỡng; điều hoà vi khí hậu; hạn chế lũ lụt; sản xuất sinh khối; duy trì đa dạng sinh học chắn sóng, gió bão và ổn định bờ biển, chống xói lở, hạn chế sóng thần.
Với diện tích khoảng 12 triệu ha đất ngập nước, phân bố ở hầu khắp mọi vùng sinh thái của Việt Nam. Tính đa dạng của các kiểu loại đất ngập nước ở Việt Nam đã góp phần tạo nên sự phong phú về loài có ý nghĩa đối với cả quốc gia và thế giới.
Đến nay, Việt Nam có 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển, với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú.
Ở Việt Nam, cách đây 3 năm, các vùng đất ngập nước đã góp phần cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD. Do đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước giàu tài nguyên và đa dạng sinh học của Việt Nam là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.