Bảo tồn sâm Việt Nam ở các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi phía Bắc

GD&TĐ - Việc điều tra xác định các loài sâm ở Việt Nam rất quan trọng giúp quản lý tài nguyên, quy hoạch vùng trồng và phát triển loại dược liệu quý này.

Hình ảnh mẫu Tam thất bắc Panax notoginseng thu ở Tuyên Quang.
Hình ảnh mẫu Tam thất bắc Panax notoginseng thu ở Tuyên Quang.

Tài nguyên cây thuốc chi sâm (Panax L.) ở Tuyên Quang và Hà Giang đặc biệt phong phú đã được các nhà khoa học nghiên cứu, điều tra, thống kê và lên phương án bảo tồn.

Việt Nam có nhiều loài sâm quý

PGS.TS Phan Kế Long, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, chi Panax thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae) phân bố rất hạn chế, bao gồm 7 loài ở miền Đông Á và 1 loài ở Bắc Mỹ. Tất cả các loài trong chi thực vật này đều là những cây thuốc, thậm chí là những cây thuốc quý nổi tiếng thế giới như: Nhân sâm, Tam thất.

Ở Việt Nam cho đến nay đã biết 3 loài mọc tự nhiên là Sâm vũ diệp, Wu & Feng và Tam thất hoang. Gần đây, 2 thứ mới của P. vietnamensis được ghi nhận và mô tả ở Việt Nam bao gồm P. vietnamensis var. fuscidiscus Komatsu, Zhu, Cai, 2003 phân bố ở Lai Châu (Mường Tè, Tam Đường, Sìn Hồ) và Vân Nam (Jinping - Trung Quốc); và P. vietnamensis var. langbianensis phân bố ở Lâm Đồng (núi Lang Biang).

Trong số các loài/thứ Panax hiện có ở Việt Nam, Sâm ngọc linh P. vietnamensis var. vietnamensis đã được nghiên cứu khá kỹ lưỡng về giá trị dược liệu trong đó đã phát hiện ra hàm lượng ocotillol saponin như majonoside-R2 rất cao (5,5% trong thân rễ khô) có tác dụng an thần cao mà P. ginseng không có. Hơn nữa, majonoside-R2 có khả năng kháng Epstein-Barr virus early antigen (EBV-EA) là tác nhân gây bệnh ung thư vòm họng.

Theo PGS.TS Phan Kế Long, việc điều tra xác định các loài sâm ở Việt Nam rất quan trọng giúp quản lý tài nguyên, quy hoạch vùng trồng và phát triển loại dược liệu quý này. Trên cơ sở nghiên cứu trước đây cho thấy sâm có ghi nhận ở Tuyên Quang và Hà Giang tuy nhiên chưa khẳng định được chính xác tên loài do thiếu các dữ liệu về hình thái và sinh học phân tử. Do vậy, nhóm các nhà khoa học đã bắt tay thực hiện.

Khu vực nghiên cứu các loài sâm thuộc chi Panax tại Tuyên Quang thuộc huyện Lâm Bình với khu rừng phòng hộ có độ cao từ 900 – 1.200m so với mặt biển, có đỉnh núi cao >1.900m, khu hệ núi đá vôi hiểm trở. Độ cao và khí hậu khu vực vùng núi này rất phù hợp cho loài sâm phát triển.

Khí hậu vành đai từ 1.200m trở lên thường ôn hòa, mát mẻ quanh năm, độ ẩm đất tương đối cao từ >85%. Cây sâm phát triển tốt dưới tán rừng nơi đất xốp, có mùn dày, điều kiện thông thoáng, hạn chế cây tái sinh phát triển.

Khu vực nghiên cứu các loài sâm thuộc chi Panax tại Hà Giang, tập trung nghiên cứu trên 3 dãy núi cao Chiêu Lầu Thi, Tây Côn Lĩnh, Tả Phìn Hồ thuộc địa bàn các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Vị Xuyên (Hà Giang). Nơi cao nhất trong khu vực nghiên cứu là trên 2.400m so với mực nước biển.

Tỉnh Hà Giang có diện tích rừng tự nhiên 345.860 ha, có vai trò bảo vệ môi trường sinh thái đầu nguồn cho Đồng bằng Bắc Bộ và cung cấp nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, xây dựng và là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.

Tìm ra các quần thể sâm để bảo tồn

Nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá hiện trạng các loài cây thuốc thuộc chi sâm (Panax L.) ở Tuyên Quang và Hà Giang” được nhóm các nhà khoa học thực hiện trong 2 năm. Đến nay, nhóm đã xác định được 8 quần thể cây thuốc thuộc chi sâm (Panax L.) ở khu vực Tuyên Quang (3 quần thể), Hà Giang (5 quần thể).

Tìm được các loài cây thuốc thuộc chi sâm (Panax L.) ở khu vực Tuyên Quang là loài Panax notoginseng (Burk.) Chow & Huang, 1975 (Điền thất/tam thất bắc);

Đã xác định được các loài cây thuốc thuộc chi sâm (Panax L.) ở khu vực Hà Giang là loài Panax stipuleanatus C.T.Tsai & K.M.Feng (Tam thất hoang). Điều nhóm nghiên cứu lưu ý là quần thể P. notoginseng ở Tuyên Quang đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp với số lượng cây tìm thấy rất ít, cây tái sinh hiếm. Đây cũng là lần đầu tiên sâm (P. notoginseng) được ghi nhận tại khu vực này. Quần thể P. stipuleanatus ở Hà Giang đang ở tình trạng nguy cấp với mức độ suy giảm quần thể > 90% (số lượng cây tái sinh).

Theo PGS.TS Phan Kế Long kích thước quần thể P. nototginseng ở Tuyên Quang là khá nhỏ, gần như không tìm thấy cây tái sinh. Vì vậy, mặc dù tìm thấy các loài thuộc chi sâm là loài cây quý, ghi nhận lần đầu tại khu vực này với số lượng cá thể còn rất ít, nên nguy cơ đe dọa tuyệt chủng (cấp EN).

Quần thể sâm thu tại Hà Giang với 57 cá thể thuộc 5 tiểu quần thể Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Vị Xuyên số lượng cá thể không nhiều, quần thể sâm khu vực này là loài Panax stipuleanatus có ghi nhận hạt cây sâm.

Số lượng cây tái sinh rất thấp, nguy cơ gần các loài cây thuốc thuộc chi sâm bị thu hẹp. Theo tiêu chí đánh giá IUCN (2019), hiện trạng quần thể P. stipuleanatus ở khu vực Hà Giang đang ở mức cực kỳ nguy cấp.

Các nhà khoa học đề xuất áp dụng mô hình bảo tồn và nhân trồng tại các vườn rừng: Rừng Lâm Bình (Tuyên Quang), rừng khu vực Chiêu Lầu Thi (Hà Giang). Khuyến khích doanh nghiệp và người dân cùng tham gia bảo tồn, nhân giống tại chỗ và khai thác bền vững. Nghiên cứu thêm về giá trị dược liệu của P. stipuleanatus để góp phần nâng cao giá trị của loài thuốc quý này.

Việc bảo tồn các loài sâm quý góp phần thực hiện tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý...tại dự án 3 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ