Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trên quê hương cố Tổng Bí thư Trường Chinh

GD&TĐ - Huyện Xuân Trường (Nam Định) – quê hương của cố Tổng Bí thư Trường Chinh là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng.

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trên quê hương cố Tổng Bí thư Trường Chinh

Trong đó, khu Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo – Hành Thiện đã tạo nên vùng đất văn hiến, nơi lưu giữ nhiều giá trị tư tưởng, đạo đức giàu tính nhân văn.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Nam Định: “Tiếp tục truyền thống cách mạng vẻ vang, xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”, huyện Xuân Trường luôn đoàn kết, nỗ lực, cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn để tập trung phát triển; nhất là thường xuyên quan tâm đến phát triển văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng, coi đây là động lực để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Tượng đài cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại trung tâm huyện Xuân Trường.

Tượng đài cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại trung tâm huyện Xuân Trường.

Ông Đinh Văn Trâm – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Xuân Trường cho biết: “Hiện nay, huyện Xuân Trường có 113 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 41 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 9 di tích cấp quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội chùa Keo Hành Thiện.

Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo - Hành Thiện.

Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo - Hành Thiện.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều di tích, công trình tôn giáo, các nhà thờ tổ… đậm nét kiến trúc đặc trưng, có giá trị văn hóa đặc sắc. Các di tích đã và đang được đầu tư, cải tạo, nâng cấp ở nhiều mức độ khác nhau để giữ gìn những giá trị kiến trúc, văn hóa truyền thống, giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước và nhân cách cho thế hệ trẻ.

Chùa Keo - Hành Thiện là một tổng thể các công trình kiến trúc có quy mô lớn, được xây dựng đăng đối, mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, thế kỷ 17 - 18. Sự tồn tại của chùa Keo góp phần minh chứng cho lịch sử hình thành và phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam.

Tục thổi cơm thi với nhiều nét văn hóa cổ truyền tại lễ hội làng Ngọc Tiên.

Tục thổi cơm thi với nhiều nét văn hóa cổ truyền tại lễ hội làng Ngọc Tiên.

Chùa Keo có giá trị kiến trúc nghệ thuật, trang trí điêu khắc cao, thể hiện bàn tay lao động cần cù và khối óc sáng tạo của những công trình sư và nghệ nhân dân gian, góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Khu di tích chùa Keo - Hành Thiện còn lưu giữ được nhiều giá trị di sản văn hoá phi vật thể quý giá thể hiện qua hệ thống thác bản Hán Nôm (bia ký, sắc phong, thần tích, câu đối, đại tự…);

Lễ hội làng Nhân Thọ - Thọ Nghiệp.

Lễ hội làng Nhân Thọ - Thọ Nghiệp.

Lễ hội truyền thống, những truyền thuyết về Đức Thánh Dương Không Lộ… là những nguồn tư liệu phong phú, hấp dẫn và quý báu giúp các nhà nghiên cứu khoa học lý giải và nhận diện giá trị to lớn của các di tích này đối với hệ thống di sản văn hoá của dân tộc.

Lễ hội truyền thống làng Xuân Bắc.

Lễ hội truyền thống làng Xuân Bắc.

Hàng năm, tại chùa Keo - Hành Thiện diễn ra nhiều ngày lễ đặc biệt. Trong đó có 2 kỳ lễ trọng diễn ra vào mùa Xuân và mùa Thu.

Lễ hội mùa Xuân được tổ chức vào 2 dịp: Tháng Giêng đối với Keo trong và tháng Hai đối với Keo ngoài. Lễ hội mùa Thu được tổ chức vào trung tuần tháng Chín (âm lịch), đây là kỳ lễ hội lớn nhất trong năm để kỷ niệm ngày sinh của Đức Thánh tổ Dương Không Lộ.

Tại lễ hội diễn ra nhiều nghi thức và trò chơi dân gian đặc sắc như: phụng nghinh, bơi trải, phục miều y, dựng phướn, rước đèn, Thánh đản, múa rối, chèo cạn, cờ tướng, cầu đu, chọi gà, làm bánh dầy…

Ông Trần Văn Vỵ - Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường khẳng định: “Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, di sản văn hóa góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử, phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo, ý chí vượt khó vươn lên, ham học hỏi và học giỏi của đất học Xuân Trường”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ