Hà Nội 'tiếp lửa' gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với Nghị quyết 23, Hà Nội đã 'tiếp lửa' công tác gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Điệu múa 'Con đĩ đánh bồng' là một trong 10 điệu múa dân gian xưa của đất Thăng Long.
Điệu múa 'Con đĩ đánh bồng' là một trong 10 điệu múa dân gian xưa của đất Thăng Long.

Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, những nghệ nhân - người nắm giữ và thực hành di sản luôn được coi là nhân tố quan trọng nhất. Với Nghị quyết 23, Hà Nội đã “tiếp lửa” công tác gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Nghệ nhân qua đời, di sản đi theo!

Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB Đà Nẵng 2003) GS Hoàng Phê giải thích: Nghệ nhân là người chuyên biểu diễn một bộ môn nghệ thuật hoặc chuyên làm một nghề thủ công mỹ nghệ, có tài nghệ cao.

Bởi vậy, ở nước ta nghệ nhân được ví như những “kho báu nhân văn sống” hoặc “bảo tàng sống”. Ở nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, nghệ nhân không chỉ là người nắm giữ, thực hành và trao truyền, mà còn đóng vai trò quyết định đến sự sống còn - người mất, di sản cũng mất.

Là chủ thể sáng tạo của di sản, nghệ nhân còn được coi là những nghệ sĩ, những người thợ giỏi, nắm giữ bí quyết nghề. Với khả năng thực hành nghệ thuật diễn xướng và cả nghề truyền thống điêu luyện, họ cống hiến, sáng tạo, truyền dạy cho thế hệ kế tiếp.

Mặc dù, đóng vai trò quan trọng như thế, nhưng chính sách đãi ngộ liên quan tới các bậc truyền nhân ấy lại chưa được đánh giá và đãi ngộ xứng đáng, chỉ dừng ở nhóm chính sách tôn vinh và an sinh xã hội. Hệ thống văn bản thiếu đồng bộ, không kịp thời và chưa thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò của nghệ nhân.

Các chính sách hỗ trợ nghệ nhân được thực hiện ở các địa phương thường không đồng nhất, chú trọng tiêu chí mức sống mà không chú ý đến yếu tố tài năng và giá trị cũng như mức nguy cấp của di sản.

Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành chỉ tập trung vào các nghệ nhân có danh hiệu, không chú trọng khuyến khích bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Hệ quả là nhiều nghệ nhân qua đời nhưng không nhận được sự tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng.

Ðể giải quyết bài toán bảo tồn và phát triển, bên cạnh vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước, các chính sách bảo tồn di sản văn hóa… cần bổ sung đầy đủ thêm những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên và tôn vinh nghệ nhân để họ phát huy khả năng, góp sức cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống.

“Có thực mới vực được đạo”, những chính sách này sẽ góp phần phát huy vai trò, tính sáng tạo của nghệ nhân trong bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời giúp họ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác bảo tồn di sản, dốc sức trao truyền cho đội ngũ kế cận.

Vào ngày 8/12/2022, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND quy định “chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân, câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội” và “chế độ hỗ trợ đối với nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”.

Theo đó, mức hỗ trợ đối với Nghệ sĩ Nhân dân là 20 triệu đồng/người, Nghệ sĩ Ưu tú là 15 triệu đồng/người. Các nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng sẽ được UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ một lần, mức hỗ trợ 40 triệu đồng đối với Nghệ nhân Nhân dân và 30 triệu đồng đối với Nghệ nhân Ưu tú.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh).

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh).

“Tiếp lửa” bảo vệ di sản

Sau 9 tháng kể từ khi Nghị quyết 23 được ban hành, vào cuối tháng 9/2023 tại Bảo tàng Hà Nội - ngành văn hóa Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể” nhằm lắng nghe những chia sẻ, tiếp thu đóng góp của giới chuyên gia và nghệ nhân, để hoàn thiện hơn nữa công tác bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đến nay trên toàn địa bàn TP Hà Nội đã có 14/18 Nghệ nhân Nhân dân và 101/113 Nghệ nhân Ưu tú còn sống đã nhận được kinh phí đãi ngộ theo Nghị quyết 23 với tổng số tiền gần 3,6 tỷ đồng.

Nghệ nhân Triệu Đình Hồng làng Triều Khúc (Hà Nội) qua đời năm 2020 nhưng điệu múa bồng đã được ông trao truyền thành công cho lớp trẻ.

Nghệ nhân Triệu Đình Hồng làng Triều Khúc (Hà Nội) qua đời năm 2020 nhưng điệu múa bồng đã được ông trao truyền thành công cho lớp trẻ.

Trong tổng số 131 nghệ nhân được phong tặng qua 3 đợt, đến nay 18 nghệ nhân đã qua đời, 8 nghệ nhân từ 91 - 100 tuổi, 15 nghệ nhân từ 80 - 89 tuổi, 28 nghệ nhân từ 70 - 79 tuổi, 17 nghệ nhân từ 50 - 59 tuổi, 11 nghệ nhân được coi là nghệ nhân trẻ từ 42 - 49 tuổi, 3 nghệ nhân có độ tuổi dưới 40.

Số liệu đó cho thấy, nghệ nhân trên địa bàn TP Hà Nội có độ tuổi khá cao, thế hệ kế cận đang thưa dần.

Hà Nội cũng đang triển khai hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, cấp kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng cho các câu lạc bộ lần đầu thành lập và 20 triệu đồng/năm để duy trì hoạt động. Đến nay, đã có 2 câu lạc bộ được thành lập: CLB Trống quân xã Khánh Hà (Thường Tín) và CLB Ca trù Yên Nghĩa (Hà Đông).

Theo báo cáo, các quận/huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã và đang hỗ trợ các câu lạc bộ và nghệ nhân tổ chức nhiều lớp và nhiều đợt truyền dạy hát ca trù, hát trống quân, hát tuồng, múa rối nước, hát dô, hát chèo, trình diễn cồng chiêng của người Mường, múa rối cạn, nặn tò he, xẩm… Trong đó, kinh phí hỗ trợ Nghệ nhân Nhân dân truyền dạy là 500 nghìn đồng/người/buổi, Nghệ nhân Ưu tú 300 nghìn đồng/người/buổi.

Với Nghị quyết 23, Hà Nội đã “tiếp lửa” trong công tác gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra trên phạm vi cả nước thì không phải địa phương nào cũng có chính sách mở, đãi ngộ xứng đáng đối với nghệ nhân.

Bởi vậy, theo giới chuyên gia - để tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân thực hành và truyền dạy, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Thi đua - Khen thưởng và các luật liên quan.

Đồng thời tăng cường tổ chức các chương trình hỗ trợ và quảng bá nghệ thuật và di sản văn hóa, khuyến khích sáng tạo và đầu tư vào các chương trình phát triển của nghệ thuật và di sản văn hóa.

Đặc biệt, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể xã hội rất nên quan tâm, hỗ trợ “kích hoạt” các hoạt động vinh danh để động viên, khích lệ, khơi dậy niềm tự hào của giới nghệ nhân để lan tỏa tinh thần tham gia và cống hiến.

Trong tọa đàm “Vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể”, PGS.TS Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho rằng: Nghệ nhân vừa là bộ phận quan trọng của di sản lại vừa là nhân tố sáng tạo và mang trọng trách xã hội - không chỉ đối với công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản, mà còn hướng tới phục vụ lợi ích cộng đồng ở một phạm vi rộng lớn hơn. Bởi vậy, họ vừa có vai trò kiến tạo, trao truyền vừa là những người có ảnh hưởng đối với di sản nói riêng và xã hội nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ